Tập đoàn PAN bắt tay C.P Việt Nam phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản

Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam vừa ký kết chương trình hợp tác, đặc biệt là phát triển chuỗi giá trị tôm, từ con giống đến bàn ăn, nhằm nâng tầm ngành tôm Việt.


Đại diện Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam ký kết chương trình hợp tác chiến lược

Với thế mạnh về nuôi tôm hiệu quả và chế biến tôm chất lượng cao, Tập đoàn PAN cùng công ty thành viên cam kết sẵn sàng trong chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình nuôi và chế biến tôm; ưu tiên sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cho vùng nuôi của các công ty thành viên Tập đoàn PAN.

Hai bên cam kết cùng hỗ trợ Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) hoàn thiện quy trình và nâng ao hiệu quả nuôi tôm, mở rộng vùng nuôi tôm, đa dạng hoá sản phẩm đầu ra và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam cũng cam kết hợp tác trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến và các ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Bên cạnh đó, hai bên cam kết cùng hợp tác trong các hoạt động vì môi trường và cộng đồng, hướng tới 11 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) đến năm 2030, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững và nhu cầu của mỗi bên, thông qua các dự án cụ thể.

Ngoài lĩnh vực thuỷ sản, hai bên cam kết cùng hợp tác, hỗ trợ, kết nối đối tác cho nhau trong những lĩnh vực khác mà mỗi bên hoặc đơn vị liên quan của mỗi bên có thế mạnh.

Bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng giám đốc Tập đoàn PAN, chia sẻ: Việc hợp tác giữa PAN Group và C.P Việt Nam là hợp tác giữa hai đơn vị có sự tương đồng trong chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Đặc biệt trong lĩnh vực thuỷ sản, hai bên đều có nhiều thế mạnh.


Bà Nguyễn Thị Trà My – Tổng giám đốc Tập đoàn PAN. Ảnh: Minh Phúc.

Với Tập đoàn PAN thông qua công ty thành viên Sao Ta hiện sở hữu vùng nuôi đạt chuẩn ASC lớn nhất cả nước, với công nghệ nuôi tiên tiến và sử dụng thành công chế phẩm sinh học (probiotics) trong nuôi tôm chất lượng cao.

Ngoài ra Sao Ta cũng sở hữu công nghệ chế biến hàng đầu, tạo ra các sản phẩm phối chế ngon về chất lượng, tinh tế về mẫu mã và đã chinh phục được khách hàng ở những thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu.

Trong khi đó, C.P Việt Nam có thế mạnh vượt trội về giống và thức ăn cho tôm. Việc C.P Việt Nam đầu tư vốn sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khác cho sự hợp tác giữa 2 bên, mang lại lợi ích cho Tập đoàn PAN và C.P nói riêng cũng như cả ngành tôm Việt Nam nói chung.

Trong suốt 20 năm qua, ngành tôm luôn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5-4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất ổn định, trung bình 5%/năm trong 5 năm vừa qua.


Đại diện Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam cùng lãnh đạo C.P Việt Nam tại Lễ ký kết. Ảnh: Minh Phúc.

Do đó, ông Montri Suwanporsi – Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc C.P Việt Nam tin rằng, ngành tôm Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, và đây vẫn sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của tập đoàn C.P trong tương lai.

“Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, với việc hợp tác cùng Tập đoàn PAN, chúng ta sẽ cùng phát triển Fimex lớn mạnh và cạnh tranh hơn nữa ở các thị trường xuất khẩu”, ông Montri Suwanporsi nhấn mạnh.

Ngài Nikorndej Balankura – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, cho rằng, Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam cho thấy quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư giữa Thái Lan và Việt Nam đang trên đà tăng lên.


Ngài Nikorndej Balankura – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp – cũng là nền móng của kinh tế Thái Lan và Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh lương thực cả ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1664 về chiến lược nuôi biển. Chúng tôi thấy C.P Việt Nam rất quan tâm vấn đề này, bởi đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn của Việt Nam, và cần phải có những doanh nghiệp lớn tiên phong. Tập đoàn PAN cũng có hợp phần nuôi biển.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến: Cần phải có những doanh nghiệp lớn tiên phong trong lĩnh vực nuôi biển . Ảnh: Minh Phúc.

Do đó, giữa Tập đoàn PAN và C.P có sự tương đồng trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thuỷ sản theo hướng hiện đại, bền vững.

Là người sáng lập Tập đoàn PAN, ông Nguyễn Duy Hưng mong muốn đưa doanh nghiệp của mình “vừa đi nhanh, vừa đi xa”. Do đó, ông muốn lựa chọn những đối tác có cùng chí hướng lớn để đồng hành.

“Hai tập đoàn có sự tương đồng rất cao. Thứ nhất, chúng tôi đều lấy người nông dân là trung tâm để phục vụ, lấy cuộc sống của người nông dân gắn bó với doanh nghiệp phát triển. Vì người nông dân khác với người công nhân. Họ có tính tư hữu rất cao, và nếu không có ngôn ngữ để nói chuyện với họ thì không thể thành công trong ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.


Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT, Nhà sáng lập Tập đoàn PAN: Trăm năm thịnh vượng nhờ doanh nghiệp/ Vạn kiếp yên bình cậy nông gia. Ảnh: Minh Phúc.

Đó là bài toán mà một loạt doanh nghiệp trong nước gặp phải, khi đầu tư lớn vào nông nghiệp nhưng không có con đường để tiếp cận với nông dân.

Kết lại, ông Nguyễn Duy Hưng mượn hai câu thơ do chính mình viết tặng nhân viên: “Trăm năm thịnh vượng nhờ doanh nghiệp/ Vạn kiếp yên bình cậy nông gia” để chúc sự hợp tác của PAN và C.P hãy làm thịnh vượng cho chúng ta, nhưng chúng ta cũng sẽ tạo điều kiện để nông gia giúp sự yên bình của thế giới này.

Tác giả: Minh Phúc

Nguồn tin: Nông nghiệp.vn

Trong khuôn khổ chương trình, cũng trong ngày 9/12/2021, Tập đoàn PAN và C.P. Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tham gia chương trình phát triển bền vững góp phần tăng diện tích che phủ rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình do Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chủ trì vận hành.

Chương trình góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như phát triển sinh kế cho cộng đồng tại địa phương. Thông qua các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ, hai bên cam kết cùng tham gia tài trợ và triển khai hoạt động trồng, phát triển, phục hồi rừng ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao giá trị và sự bền vững của chuỗi giá trị thủy sản (tôm, cá tra), phối hợp với các đối tác triển khai một cách thiết thực, hiệu quả và tận dụng các nguồn lực thực hiện.

Hai bên đóng góp nguồn tài trợ tổng kinh phí cho dự án là 200.000 USD trong giai đoạn 2022 – 2023.