Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá tôm sụt giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi tôm, một số hộ nuôi bị thua lỗ, nên nông dân không mạnh dạn xuống giống vụ mùa mới. Mặt khác, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc thuê lao động cải tạo, xử lý ao hồ gặp nhiều khó khăn, phần lớn người nuôi tôm tự xử lý ao hồ nên làm chậm tiến độ xuống giống vụ tôm mới của một số nông dân.
Trong những ngày thời tiết giao mùa, lượng mưa phân bổ nhiều, cùng với vụ tôm thua lỗ ở vụ trước nên một số nông dân chưa mạnh dạn thả nuôi vụ mới. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc thuê lao động xử lý ao hồ của nông dân gặp khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, nông dân Nguyễn Văn Út, ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên vụ tôm này ông không thuê được lao động để xử lý ao hồ, do đó, ông cùng thành viên trong gia đình tự xử lý ao hồ, như rải vôi, nạo vét bùn đáy ao, tu sửa quạt nước, trang thiết bị trong ao nuôi. So với trước đây, với 02ha diện tích đất nuôi tôm công nghiệp, mỗi vụ thu hoạch ông đạt lợi nhuận từ 100 – 200 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, ông có tiền thuê lao động xử lý ao hồ và bản thân ông chỉ dẫn trực tiếp cho lao động làm mỗi khi bước vào vụ tôm mới.
Tuy nhiên trong 08 tháng đầu năm 2021, với 05 ao nuôi, ông thả nuôi 02 đợt tôm thẻ chân trắng, mỗi ao thả nuôi 150.000 con tôm thẻ chân trắng, vụ đầu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá tôm sụt giảm, cộng thêm tôm nuôi bị bệnh chết sớm nên sản lượng thu hoạch thấp, lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Đến vụ 2 do thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giá tôm sụt giảm mạnh nên thua lỗ 200 triệu đồng. Chính vì thế, vụ nuôi mới này do dịch bệnh việc thuê lao động gặp nhiều trở ngại, nên gia đình ông tự xử lý ao hồ. Dù mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thả nuôi vụ mới nhưng giảm được không ít chi phí thuê lao động.
Bước vào vụ tôm mới này, nông dân Nguyễn Văn Tươi, ấp Long Hanh, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang tự xử lý ao hồ nên tiến độ xuống giống chậm hơn so với năm trước. Ông Tươi cho biết: với 01ha đất nuôi tôm công nghiệp, ông đào 03 ao nuôi, vụ nuôi mới này ông đã tự xử lý 02 ao hồ để chuẩn bị đầu tháng tới xuống giống. Những khâu còn lại như trải bạc bờ, rải vôi diệt khuẩn, lắp đặt hệ thống quạt nước, mô tưa do ông tự làm. Riêng khâu cào bùn đáy ao, do không có thiết bị xử lý nên ông chờ giãn cách xã hội được nới lỏng, ông thuê được máy cào bùn cùng với 02 lao động xử lý trong 02 ngày mới hoàn thành, tiền công thuê lao động khoảng 250.000 đồng/người/ngày. Chính vì vậy, tiến độ vụ tôm mới chậm hơn năm trước khoảng gần 01 tháng. Nguyên nhân một phần do giãn cách xã hội không thuê lao động, phần khác do chi phí đầu tư 02 vụ nuôi đầu tiên không đạt lợi nhuận. Mỗi vụ nuôi, ông thả nuôi 500.000 con tôm thẻ chân trắng và tôm sú, vụ đầu huề vốn, đến vụ 2 do giãn cách xã hội, nên giá tôm giảm mạnh bị thua lỗ. Hiện nay, ông đã xử lý và bơm nước dẫn vào ao hồ xong, chờ thời tiết thuận lợi và dịch bệnh Covid-19 tạm lắng, ông đặt mua tôm giống tiến hành thả nuôi.
Ông Tươi cho biết thêm: mặc dù 02 vụ nuôi tôm không đạt lợi nhuận, nhưng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông tận dụng gần 2.000m2 đất bờ ao nuôi tôm trồng rau cải ngắn ngày kiếm thêm thu nhập. Bình quân ông thu hoạch 30 – 40kg/ngày rau cải các loại chủ yếu xà lách, hành, hẹ, cải thìa, rau cần, giá bán từ 6.000- 27.000 đồng/kg, thu nhập 300.000 – 400.000 đồng/ngày.
Những tháng đầu năm 2021, tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có một số thuận lợi, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển đổi 700ha từ các hình thức nuôi khác sang nuôi thâm canh và bán thâm canh nâng lên 11.700ha, trong đó có 750ha diện tích nuôi thâm canh mật độ cao; duy trì 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng và 5.600ha lúa – thủy sản; các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, con giống có chất lượng đưa vào sử dụng phổ biến, tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hỗ trợ và tư vấn cho các hộ nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên giá tôm thương phẩm giảm mạnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận động chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nuôi thủy sản và một số cây ăn trái; tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình nông nghiệp 4.0, liên kết gắn với hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn tin: Báo Trà Vinh