AHPND được ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2009 nhưng chưa được người nuôi chú ý đến. Đến năm 2011 bệnh trở nên trầm trọng hơn ở những trang trại nuôi trên 5 năm và gần biển. Ở Malaysia, AHPND được báo cáo đầu tiên vào cuối năm 2010 tại hai bang Pahang và Joho sau đó lan rộng sang các vùng khác. Ở Thái Lan, bệnh xuất hiện ở hai tỉnh phía đông vịnh Thái Lan năm 2012. Ở Mexico và Philippines bệnh được ghi nhận vào năm 2013. Riêng ở Việt Nam, AHPND được ghi nhận từ năm 2010 nhưng mức độ thiệt hại được ghi nhận nhiều nhất vào năm 2011 và 2012.
Cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều có thể mắc phải AHPND. Tác nhân gây AHPND là vi khuẩn Gram âm Vibrio parahaemolyticus mang gen pirA và PirB phá vỡ cấu trúc bình thường của gan tụy dẫn đến hoại tử và mất chức năng. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm lẫn ngành thủy sản của nhiều nước.
Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ mặn trong ao nuôi tăng cao là điều kiện thuận lợi để AHPND bùng phát. Tôm có thể bị nhiễm bệnh trong suốt chu kỳ nuôi nhưng tập trung nhiều ở giai đoạn 10 – 45 ngày thả nuôi. Biểu hiện thường được nhìn thấy trên tôm là ruột rỗng không có thức ăn. Tôm bệnh có dấu hiệu giảm ăn, dấu hiệu bệnh lý ở giai đoạn đầu thường không rõ hoặc biểu hiện màu sắc khác thường ở gan tụy. Giai đoạn sau biểu hiện rõ bằng bỏ ăn, ruột rỗng, hoạt động kém, gan tụy nhạt màu, teo, dai, dấu hiệu khác cũng được ghi nhận là hiện tượng mềm vỏ.
Vì bệnh diễn biến rất nhanh và gây tỷ lệ chết cao (80 – 90% trong vòng 3 – 5 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu gan tụy teo và nhạt màu) nên người nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm nuôi, đặc biệt là quan sát màu sắc, kích thước khối gan tụy và tình trạng đường ruột của tôm nuôi nhằm sớm phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, giảm tối đa thiệt hại. Để xác định chính xác AHPND cần quan sát các dấu hiệu bệnh lý kết hợp với xét nghiệm bằng phương pháp PCR trên tôm giống và kể cả tôm nuôi thương phẩm khi nghi ngờ.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là kiểm soát từ con giống không nhiễm Vibrio parahaemolyticus AHPND để loại yếu tố nguy cơ ngay từ ban đầu. Nên có giai đoạn ương, chăm sóc tốt và kiểm tra tình trạng sức khỏe tôm ương trước khi chuyển ra ao nuôi đến cỡ thu hoạch. Bước cải tạo ao cũng quan trọng, cần loại bỏ triệt để mầm bệnh còn lưu giữ từ vụ nuôi trước. Trong quá trình nuôi cần quản lý tốt chất lượng nước và thức ăn, tăng cường sức đề kháng cho tôm. Trong nuôi thâm canh và siêu thâm canh thường xuyên xy phông loại bỏ cặn bã hữu cơ trong ao và luôn có dự trữ một lượng nước sạch đủ lớn, đã được diệt khuẩn để cấp vào ao nuôi khi cần thiết. Áp dụng triệt để an toàn sinh học để tránh bệnh lây lan từ ao này sang ao khác cũng như từ trại này sang trại khác trong vùng nuôi.
Tăng đề kháng cho tôm qua nguồn thức ăn chất lượng giúp bà con có những vụ mùa thắng lợi.
Người nuôi cũng cần định kỳ sử dụng chế phẩm vi sinh, Vitamine C và các hợp chất làm tăng cường miễn dịch cũng như bổ trợ gan. Không cho thức ăn thừa hoặc cắt giảm thức ăn khi tôm có dấu hiệu bất thường. Trường hợp biểu hiện rõ dấu hiệu bất thường trên gan tụy (gan nhạt màu, teo) có thể ngưng cho ăn 1-2 ngày. Đặc biệt, tránh lạm dụng kháng sinh vì có thể dẫn đến hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh và quan trọng hơn là tình trạng tồn lưu kháng sinh trong tôm dẫn đến khó khăn khi tiêu thụ hoặc xuất khẩu.