Tầm nhìn và khả năng bắt mạch xu hướng tiêu dùng

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn, trong đó có doanh nghiệp ngành tôm. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm khó khăn nhất do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành tôm lớn của tỉnh Sóc Trăng vẫn sống khỏe với doanh số, lợi nhuận trong 8 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ.

 

Nhờ có tầm nhìn xa và khả năng bắt mạch xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong 8 tháng đầu năm 2020.

Chia sẻ với chúng tôi về cách Sao Ta vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong thời đại dịch Covid-19, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta) cho rằng, một trong những giải pháp đầu tiên mà công ty thực hiện là nhanh chóng giảm 40% lượng hàng tồn kho ngay khi Việt Nam mới phát hiện hơn 10 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đây là lượng tôm dự trữ để phòng trường hợp thiếu nguyên liệu, đảm bảo sản xuất không bị ngưng trệ, nhưng HĐQT Sao Ta vẫn quyết định: “Dọn kho hàng càng sạch càng tốt”, nhằm giảm mạnh chi phí lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, Sao Ta cũng triệt để tiết kiệm chi phí, tăng dự trữ vật tư thiết yếu và thường xuyên giữ liên hệ với khách hàng để vừa nắm thông tin thị trường, vừa biết được nguồn hàng của mình sẽ được đối tác phân bổ ở kênh tiêu thụ nào… Ông Lực chia sẻ: “Đây là vấn đề rất quan trọng bởi mỗi đơn hàng cho từng đối tác sẽ có những quy chuẩn khác nhau về bao bì, quy cách chế biến và hương vị, nên một khi bị hủy sẽ không thể giao cho đối tác khác”.

Có một điểm khá tương đồng là ngay sau khi lệnh cách ly xã hội diễn ra tại một số nước, hầu hết các doanh nghiệp chế biến tôm ở Sóc Trăng đều có chung nhận định, rằng các kênh tiêu thụ ở nhà hàng, khách sạn sẽ giảm mạnh và kênh tiêu thụ siêu thị sẽ tăng lên, nên tập trung đầu tư nguồn lực để khai thác tốt kênh tiêu thụ này. Nhờ vậy, chẳng những họ có rất ít đơn hàng bị hủy, mà còn tăng được lượng tiêu thụ, giúp hạn chế thấp nhất hàng tồn kho, tăng được nguồn vốn lưu động, duy trì sản xuất ổn định trong suốt 8 tháng qua. Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết: “Tuy các kênh tiêu thụ là nhà hàng, khách sạn… giảm khá mạnh trong mùa dịch, nhưng bù lại hàng của chúng tôi được tiêu thụ rất mạnh qua kênh siêu thị tại các thị trường lớn, như: Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… Nhờ vậy, qua 8 tháng đầu năm, công ty đạt doanh số gần 82 triệu USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 110 – 115 triệu USD, tăng khoảng 20% so với năm 2019”.

Nhiều khả năng sẽ xảy ra thiếu tôm nguyên liệu vào những tháng cuối năm khi các doanh nghiệp bước vào cao điểm chế biến, giao hàng cho đối tác.

Có một kinh nghiệm rất hay được ông Lực chia sẻ là trong suốt giai đoạn cả thế giới khủng hoảng vì dịch bệnh vừa qua, ông cho kiểm tra các đơn hàng đang có, thấy đơn hàng nào sang Nhật có tỷ suất lợi nhuận còn tốt, ông chủ động gởi thư điện tử trao đổi với đối tác đề nghị: “Chúng tôi đang khó khăn và nghĩ rằng bạn cũng tương tự. Chúng tôi nỗ lực tiết kiệm mọi mặt lúc này và để chia sẻ khó khăn với nhau, Sao Ta giảm giá 2% cho đơn hàng… Mong rằng, việc chia sẻ tuy không lớn này, sẽ là nguồn động viên bạn sẽ tiêu thụ hàng tốt hơn trong hoàn cảnh này nhằm cùng nhau vượt qua khó khăn. Bạn sống sót thì chúng tôi mới sống sót. Hy vọng chúng ta có ngày mai hợp tác tốt hơn và tươi sáng hơn”.

Trong giai đoạn cách ly xã hội, các nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng đều thực hiện rất nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, như: lắp máy khử trùng phương tiện ra vào nhà máy, đo thân nhiệt, máy rửa tay tự động và cả camera theo dõi để phát hiện và nhắc nhở công nhân nào đi qua mà không rửa tay, khử trùng. Ngoài ra, các nhà máy còn bố trí lại khu căn tin theo quy định giãn cách, chia giờ ăn thành nhiều ca… Riêng tại Sao Ta, cho phép lãnh đạo từ phòng ban trở lên được nghỉ luân phiên, để đảm bảo hệ thống sẽ không sụp đổ nếu có một cá nhân nào đó mắc bệnh. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội, Sao Ta chi cả tiền ăn sáng cho công nhân, để khuyến khích họ ăn trong công ty để giảm thiểu rủi ro.

Với tầm nhìn và khả năng bắt mạch xu hướng tiêu dùng, cùng với sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nên trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm của tỉnh ước đạt 500 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ và hơn gấp đôi mức tăng chung của ngành tôm cả nước. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, tới đây khi bước vào cao điểm chế biến xuất khẩu, khả năng thiếu nguyên liệu sẽ xảy ra do hiện tại đang là cuối vụ thả nuôi, các điều kiện về thời tiết, độ mặn, môi trường, dịch bệnh… đều bất lợi cho việc thả nuôi nên có rất ít hộ dám thả giống vì rủi ro sẽ rất cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá tôm những tháng cuối năm này sẽ có xu hướng tăng thêm khi có sự cạnh tranh về nguyên liệu giữa các doanh nghiệp.

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng