Vôi bột, bạn đồng hành với người nuôi tôm

Theo kinh nghiệm truyền thống của người nuôi trồng thủy sản, ao đầm thường sử dụng vôi bột để sát khuẩn đáy ao, nhất là nuôi tôm.

Dùng vôi bột sát khuẩn ao đúng cách

Theo Chi cục Thuỷ sản (Sở NN – PTNT tỉnh Nam Định), theo kinh nghiệm truyền thống, người dân thường sử dụng vôi bột để cải tạo, sát khuẩn ao sau mỗi vụ nuôi mới. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần áp dụng đúng khoa học mới đảm bảo hiệu quả và phù hợp với kế hoạch sản xuất theo mùa.

Đơn vị này khuyến cáo, việc cải tạo ao đầm nuôi cần tiến hành đúng quy trình. Khi cải tạo ao/đầm, người nuôi cần chú ý, đối với những ao có nền đáy nhiễm phèn không nên dùng phương pháp cải tạo khô.

Người dân sử dụng vôi bột để vệ sinh, khử khuẩn đáy ao nuôi. Ảnh: Huy Bình.

Đặc biệt, những ao đầm không nên dùng vôi để sát trùng gồm: ao có đáy hoặc nước ao hàm lượng Ca++ quá cao; ao có hàm lượng hữu cơ quá thấp, nếu dùng vôi để sát trùng sau đó phải bón phân hữu cơ hoặc phân lân ao mới dùng lại được.

Khi tháo nước ao cũ phải kết hợp sục bùn làm sạch ao; vét bớt bùn ô nhiễm ở đáy ao. Quá trình tu bổ bờ ao phải bắt diệt hết ếch, rắn, các loại động vật làm hang sống ở bờ ao, lấp các hang hố quanh bờ ao.

Sau khi rắc vôi xong, dùng cào trộn đều khắp đáy ao để diệt hết cá tạp và sinh vật có hại, sau đó cày đảo đáy ao cho ôxy hoá lớp bùn đáy rồi phơi khô 10 – 15 ngày mới cho nước vào ao. Khi cấp nước cần bổ sung chế phẩm sinh học và chế phẩm ôxy hoá để khử chất độc và phân giải các hợp chất hữu cơ trong ao.

Khi diệt tạp, khử trùng không được sử dụng các loại hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định. Trường hợp ao khó gây màu nên kết hợp phân sinh học. Sau khi bón phân gây màu nên sử dụng chế phẩm vi sinh có chứa nhóm bacilus bổ sung vào ao nuôi nhằm tạo nhóm vi sinh vật có lợi cho môi trường, hạn chế sự xuất hiện của các loài gây hại trong ao nuôi.

Khuyến cáo đối với thủy sản nuôi qua đông

Trong mấy năm gần đây, người nuôi tôm trên ao, đầm tại Nam Định đã chuyển sang nuôi gối vụ qua đông. Vụ đông năm 2023, diện tích nuôi tôm vụ đông đạt diện tích 400ha lớn nhất từ trước tới nay.

Sở dĩ người nuôi quyết tâm “đánh bạc” với vụ mùa này nhằm đạt được giá tôm cao trái vụ. Ở những thời điểm cuối đông đầu xuân, giá tôm thương phẩm cao hơn từ 1,2-1,5 lần chính vụ. Tôm vụ đông thành công sẽ mang lại hiệu quả gấp 1,5-2 lần nuôi chính vụ và thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Người dân Nam Định chuyển hướng sang nuôi tôm vụ đông để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Kiên Trung.

Trước thực tế trên, Chi cục Thủy sản Nam Định đã tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật phòng trừ bệnh cho các hộ nuôi.

Chi cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi chỉ tổ chức nuôi trồng thủy sản qua đông đối với các cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện, có thể chủ động các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản.

Trong thời gian giá rét, tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng…

Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng… cần tổ chức thu hoạch sớm và triệt để.

Đối với diện tích thủy sản đang nuôi (thủy sản chưa đạt kích cỡ làm thương phẩm, đàn bố mẹ, cá giống), người nuôi áp dụng các biện pháp chống rét.

Cụ thể: duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5 m trở lên để ổn định nhiệt độ; làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2-2/3 diện tích mặt ao nuôi về phía Bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi và khi có ánh nắng sẽ tăng khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi; di chuyển lồng bè đến nơi ít gió hoặc thả sâu lồng nuôi 1.8-2.0m.

Đối với nuôi tôm thẻ vụ đông, nên nuôi tôm trong ao/bể lót bạt hoặc xi măng, có mái che để dễ dàng kiểm soát được môi trường nước, giúp tôm phát triển bình thường. Chọn tôm giống cỡ post 12 – 15 khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng và đạt chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Quá trình nuôi, cần cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng.

Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15 độ C ngừng cho ăn, định kỳ dùng CaO, liều lượng 2-3 kg/100 m2 (01 lần/tháng) bón xuống ao nuôi để phòng ngừa bệnh nấm, ký sinh trùng cho cá; ao/đầm nuôi tôm nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, đảm bảo ô xy hòa tan trên 4ppm, độ pH > 7,8, độ kiềm trên 100 ppm.

Mô hình nuôi tôm vụ đông trong nhà màng ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Ảnh: Kiên Trung.

“Để nuôi tôm vụ đông đạt hiệu quả và phát triển bền vững, bà con cần căn cứ vào điều kiện thời tiết từng năm để xây dựng kế hoạch phù hợp, chủ động nguồn nước, có ao lắng, hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, tăng cường các giải pháp tăng nhiệt cho tôm nuôi (mái che, nuôi trong nhà…); mật độ thả nuôi vừa phải không quá 80 con/m2. Chọn mua giống tại các cơ sở sản xuất giống uy tín, chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch.

Cần sử dụng bạt có kỹ thuật, điều chỉnh lượng ôxy vào nhà bạt phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho tôm, sử dụng chế phẩm sinh học để có nước sạch duy trì trong ao nuôi”, chị Tống Thị Lương, Trưởng phòng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Nam Định khuyến cáo.

Báo Nông nghiệp