Vào rừng ngập mặn ở Cà Mau, Trà Vinh nuôi thứ tôm hảo hạng đạt tiêu chuẩn bán đi khắp toàn cầu

Với điều kiện có vùng bãi triều rộng lớn rừng ngập mặn ven biển, tỉnh Cà Mau có điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng.

Bên cạnh việc phát triển các vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản lớn, ứng dụng công nghệ cao để trở thành trung tâm công nghiệp thì những mô hình nuôi sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đang thu hút khá nhiều nông dân, hợp tác xã.

Cách làm này đã hài hòa lợi ích giữa các bên, nông dân khỏe với cách sản xuất, môi trường sinh thái được bảo vệ, thậm chí còn làm giàu thêm tài nguyên tự nhiên, giúp xây dựng hình ảnh thủy sản Việt Nam có trách nhiệm với bảo vệ môi trường tự nhiên.

Với điều kiện có vùng bãi triều rộng lớn rừng ngập mặn ven biển, tỉnh Cà Mau có điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Thời gian qua, việc canh tác xen ghép tôm trong rừng ngập mặn Cà Mau là cách làm hay, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng.

Huyện Ngọc Hiển với ba mặt giáp biển có phần lớn diện tích đất rừng ngập mặn nên đã khá phát triển về nuôi tôm rừng. Ðặc biệt, tại xã Viên An Ðông có 500 hộ nuôi tôm rừng đầu tiên đạt chuẩn xanh của tổ chức Seafood Wach (Mỹ).


Rừng ngập mặn ven biển huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có tiềm năng nuôi tôm dưới tán rừng. Ảnh: TTXVN.

Khi tham gia sản xuất chuỗi tôm rừng, ông Tăng Kim Ngân, ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển chia sẻ, sản phẩm được ký kết hợp đồng bao tiêu và được hưởng lợi từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm tôm được bán giá cao hơn từ 5 – 10% so với các loại hình nuôi tôm khác, môi trường mô hình sản xuất cũng rất bền vững.

Những mô hình liên kết chuỗi giá trị tôm – rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau nhiều năm qua đã thu hút được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản quan tâm. Họ đã phối hợp với các ban quản lý bảo vệ rừng, địa phương và người dân triển khai nhân rộng.

Tỉnh này đã có diện tích nuôi tôm – rừng đạt khoảng hơn 80.000 ha; trong đó, các tổ chức chứng nhận quốc tế đã chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm – rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…), sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.

Không chỉ được dán nhãn sinh thái trên sản phẩm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, doanh nghiệp tham gia liên kết còn được hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000 – 500.000 ha/năm và hỗ trợ về con giống chất lượng cao để thả nuôi.

Không chỉ có sản phẩm chính là tôm sú, các hộ nuôi tôm – rừng còn có thu nhập thêm từ cua, cá, sò huyết… Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc và hóa chất, không phát sinh chi phí sản xuất, giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã phối hợp với các ban quản lý bảo vệ rừng, các địa phương, đơn vị và người dân triển khai nhiều dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị tôm – rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Hiện tổng diện tích nuôi tôm – rừng đạt khoảng hơn 80.000 ha; trong đó, các tổ chức chứng nhận quốc tế đã chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm – rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế và sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng.

Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư, nông và lâm nghiệp, tỉnh Cà Mau xác định vùng ven biển Cà Mau sẽ tập trung phát triển nuôi thủy sản mà chủ lực là nuôi tôm, cua; phát triển mô hình rừng – tôm sinh thái kết hợp với dịch vụ, du lịch biển trên cơ sở phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển, Khu Ramsar thế giới Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Hay tại các huyện ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh cũng ngành càng phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, rừng – tôm. Đây là mô hình vừa đảm bảo tính hiệu quả bền vững, vừa bảo vệ môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu.

Thực hiện mô hình rừng – tôm đã hơn 5 năm, ông Huỳnh Văn Tài, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết, ông trồng các loại cây rừng như đước, sú, mắm, theo tỷ lệ 40% rừng – 60% mặt nước ao để tạo bóng mát và làm nơi trú ngụ cho tôm cùng các loài thuỷ sản khác.

Với 4 ha, mỗi năm ông Huỳnh Văn Tài thả nuôi khoảng 50.000 con tôm sú giống và 6000 con cua biển giống. Toàn bộ quá trình nuôi chỉ bỏ vốn mua con giống, chi phí thức ăn không đáng kể nên thu nhập mỗi năm khoảng trên 350 triệu đồng. Không chỉ được giá, ông Tài còn có lợi thế lựa chọn thu hoạch dần để tránh cao điểm mùa vụ.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, phát triển nuôi sinh thái theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nâng cao hiệu quả, bền vững, bảo đảm hài hoà lợi ích các bên.

Tại Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 xác định khuyến khích phát triển các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Trước tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững, ngành thủy sản xác định khả năng phát triển và hình thức canh tác phù hợp với điều kiện sinh thái cụ thể của từng vùng. Không chỉ phát triển nuôi dưới tán rừng ngập mặn mà còn phát triển các hình thức như xen canh lúa-tôm, lúa-cá… với những vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Bích Hồng

TTXVN