Ứng dụng số trong chuỗi giá trị thủy sản

Chuyển đổi, ứng dụng số trong ngành nông nghiệp nói chung, trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản là một xu hướng tất yếu.


Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao ở Bạc Liêu.

Ðây cũng là cơ hội để các địa phương vùng biển, các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng, lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam cũng như các cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) để làm giàu… Tuy vậy, muốn quá trình ứng dụng số trong lĩnh vực thủy sản phát triển nhanh và bền vững, còn khá nhiều vấn đề cần giải quyết…

Công nghệ số áp dụng trong chuỗi giá trị thủy sản, bao gồm từ những khâu đầu tiên như công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt cho đến công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh. Công nghệ số giúp ngành thủy sản thành công với các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng…

Ăn nên, làm ra từ chuyển đổi số

Việc chuyển đổi số được đánh giá là một trong những nền tảng để các địa phương phát triển thành công ngành thủy sản. Nhờ công nghệ số mà sự kết nối giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp, với vùng nuôi dễ dàng hơn; sự liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp, sự kết nối giữa nuôi trồng chế biến, nắm bắt yêu cầu thị trường và kết nối quốc tế diễn ra nhanh chóng, thuận lợi…

Nói về tính cấp thiết của chuyển đổi, ứng dụng số trong lĩnh vực thủy sản, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Ðình Luân chia sẻ: Toàn ngành rất mong muốn được chuyển đổi số càng sớm càng tốt bởi thủy sản là một trong những ngành tham gia xuất khẩu sâu rộng. Các sản phẩm ngày càng phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ. Chỉ có chuyển đổi số mới giúp công tác chỉ đạo điều hành được tốt hơn.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp thủy sản tiên phong chuyển đổi số phải kể đến Tập đoàn thủy sản Minh Phú, khi đơn vị này xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm chi phí và nâng cao năng lực sản xuất, hướng tới phát triển thành công ty công nghệ thủy sản trong tốp đầu thế giới, với nhiệm vụ: Tự động hóa trong sản xuất; xây dựng big data cho ngành tôm, bao gồm xây dựng cộng đồng cho ngành thủy sản; xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin, cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh; áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc…

Những lợi ích mà các doanh nghiệp thủy sản chuyển hướng theo công nghệ số rất đáng kể. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam Seafood Nguyễn Thị Thu Sắc, sau hơn 10 năm tìm kiếm, thử nghiệm đơn vị đã tìm được lối đi phù hợp với công nghệ số “Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP)”. Công nghệ này giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả thông tin mọi giai đoạn, mọi mặt hàng từ chế biến đến xuất khẩu: hệ thống hóa thông tin, sơ đồ kho hàng; quản lý barcode sản phẩm, tích hợp phần mềm quét mã vạch. Ðồng thời, phát triển phần mềm quét sản phẩm công đoạn, tính lương dựa trên mã thẻ từ và phát triển tính năng quản lý giấy tờ thủy sản IUU, SC, CC trên phần mềm SAP. Bà Sắc cho biết, với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào quá trình sản xuất, doanh số của Công ty TNHH Hải Nam đã tăng tới 140%…

Ở Việt Nam, một số địa phương mạnh về nghề biển đã đi đầu trong ứng dụng số để xây dựng chuỗi giá trị thủy sản như tỉnh Phú Yên, Bình Ðịnh, Bạc Liêu… Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng số trong chuỗi giá trị thủy sản, tạo năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và nước ngoài, phấn đấu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 2 tỷ USD; trong đó thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD. Tỉnh đã tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả; tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến tiêu thụ ở tất cả các lĩnh vực và đối tượng sản phẩm. Tiêu biểu cho việc ứng dụng số trong chuỗi giá trị thủy sản ở Bạc Liêu phải kể đến Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh. Tổng Giám đốc Lê Anh Xuân cho biết: “Hiện nay, công ty thực hiện ứng dụng số trong chuỗi giá trị thủy sản, đặc biệt nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh kế cao và bền vững, nhiều đại lý, hộ nông dân trong và ngoài tỉnh là “vệ tinh” của công ty trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phục vụ hiệu quả việc phát triển nghề nuôi tôm của hàng nghìn hộ nông dân ở Bạc Liêu và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long…”.

Ngoài ra, hiện Công ty cổ phần Việt-Úc Bạc Liêu đã xây dựng chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới, nhằm sớm được công nhận vùng nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu tôm nguyên con sang các nước Mỹ, Australia và thị trường châu Âu…

Cần định hướng lâu dài, hiệu quả

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số ngành thủy sản trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Các công nghệ hỗ trợ phục vụ chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm chưa tương xứng; các doanh nghiệp thủy sản đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao còn hạn chế; kỹ năng sử dụng công nghệ số chưa cao. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển thủy hải sản công nghệ cao, thông minh còn hạn chế.

Ðại dịch Covid-19 vừa qua là cú huých mạnh đối với hoạt động chuyển đổi số trong chuỗi giá trị thủy sản Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, sản xuất, chế biến, thị trường diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhìn chung việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản còn gặp nhiều khó khăn…

Ngay như ngành kinh tế biển mũi nhọn là nuôi tôm hiện nay, việc ứng dụng số, công nghệ cao trong xây dựng chuỗi giá trị cũng gặp khó. Thí dụ như khu vực đồng bằng sông Cửu Long được khuyến khích áp dụng nhiều phương pháp nuôi tôm như “nuôi tôm công nghiệp”, “quảng canh” hoặc “quảng canh cải tiến” công nghệ cao như “thâm canh ao nổi lót bạt HDPE”, “siêu thâm canh ao nổi lót bạt HDPE có mái che”… Tuy vậy, cách thâm canh công nghệ cao vẫn đối diện thách thức là chất lượng tôm giống kém, việc quản lý nước và mầm gây bệnh chưa tốt dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh, chi phí bỏ ra và lợi ích thu lại chưa tương xứng…

Chuyển đổi số với chuỗi giá trị thủy sản là xu thế tất yếu mang tính toàn cầu, vì thế ngay tại Việt Nam cần những chính sách cũng như định hướng phát triển lâu dài và hiệu quả. Ðể chuyển đổi số ngành thủy sản, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tế cao, từ đó tạo cơ hội phát triển đồng bộ, toàn diện. Trước hết, cần xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (big data) và cơ sở tri thức của thủy sản từ khâu nuôi trồng, chế biến, thị trường… Xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh thủy sản; chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Mặt khác, quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Cơ cấu lại chuỗi giá trị gia tăng thủy hải sản bằng cách quy hoạch các vùng nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, các vùng chế biến quy mô lớn và quy mô phù hợp để bảo đảm thực hiện đồng bộ và hiệu quả với các yêu cầu của các chương trình số hóa và chuyển đổi số.

Các địa phương và doanh nghiệp cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, thiết bị thiết yếu của chuyển đổi số qua hệ thống các phần mềm, các tiêu chuẩn dữ liệu, ngân hàng kiến thức. Ðào tạo và hình thành một lực lượng cán bộ có kiến thức về khoa học, kỹ thuật, quản lý, đáp ứng được yêu cầu sản xuất thủy sản công nghệ cao và có thể áp dụng kỹ năng số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong giao dịch thương mại về thủy hải sản.

Bài và ảnh: Tâm Thời-Trọng Duy

Nguồn: Báo Nhân Dân