Thích nghi của PL – bước quan trọng cho vụ nuôi thành công

Trong quy trình nuôi tôm, một số bước nhỏ lẻ, ít được chú ý đến nhưng lại liên quan trực tiếp đến yếu tố thành bại của cả vụ nuôi. Trong đó, sự thích nghi của tôm post (PL) với các điều kiện môi trường hiện có trong hệ thống nuôi thương phẩm là một phần quyết định sự thành công của tôm nuôi, bởi giai đoạn này thường rất khác với những điều kiện trong trại giống.

Làm quen với PL trước khi thả ao

Những thay đổi đột ngột trong điều kiện môi trường có thể gây ra sự căng thẳng, mặc dù điều này không dẫn đến tử vong ở tôm nuôi nhưng có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm, giảm năng suất và lợi nhuận chung vào cuối chu kỳ sản xuất. Các điều kiện sản xuất tôm giống cần một môi trường tương đối an toàn, có thể kiểm soát được nhiệt độ nước, độ mặn, môi trường sống thoải mái, nguồn thức ăn luôn sẵn có. Hầu hết người nuôi tôm dành toàn bộ sự đầu tư về nguồn lực, công sức cho việc chuẩn bị ao nuôi với mong muốn thả tôm giống của họ vào môi trường tốt nhất có thể. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ điều kiện trại giống sang điều kiện phổ biến trong các hệ thống nuôi thương phẩm mở như bể, ao, nơi mà các yếu tố trong môi trường nước có thể thay đổi liên tục, khó đoán trước (ngày/đêm, mùa khô/ mùa mưa) có thể gây sốc và căng thẳng cho PL. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách thực hiện quá trình chuyển đổi môi trường sống một cách từ từ, thích nghi dần.

Đánh giá độ “cứng” của PL

Có thể có sự thay đổi đáng kể về sức khỏe hay độ “cứng” của tôm giống được sản xuất trong trại giống PL, bởi vậy quá trình thích nghi phải được điều chỉnh cho phù hợp với thể trạng của PL. Những con khỏe hơn có thể thích nghi nhanh hơn những con có thể trạng yếu. Đã có nhiều bài kiểm tra được sử dụng để đánh giá chính xác nhất độ “cứng” của PL nhằm quyết định lịch trình thích nghi phù hợp nhất. Phương pháp này thường sử dụng mẫu PL gồm từ 100-200 con cho trải qua điều kiện sống với những yếu tố bất lợi như sốc nhiệt (thay đổi về nhiệt độ), thẩm thấu hoặc những thay đổi về hóa học trong vòng 1-4 giờ rồi đếm những con còn sống sót.

Một phương pháp nữa được sửu dụng khá phổ biến do Clifford (Proceedings of the Special Session on Shrimp Farming. World Aquaculture Society, Baton Rouge, LA. U.S.A. 1992) đề xuất. Phương pháp được thực hiện bằng cách đưa các mẫu tôm giống được đặt trong một thùng (hoặc bể) chứa, độ mặn cùng với nhiệt độ đồng thời được hạ xuống tương ứng lần lượt 20 ppt và 10oC trong vòng 4 giờ (thử nghiệm kéo dài dưới 4 giờ đồng hồ không tính chính xác được tỷ lệ chết của tôm giống). Một cách khác của thử nghiệm này là sử dụng formalin nồng độ 100-150 ppm. Kiểm tra tỷ lệ sống đạt từ 80-100% sẽ đánh giá được PL có chất lượng cao, từ 60-79% được cho là chấp nhận được, tỷ lệ sống PL đạt dưới 60% thì cần trả lại hoặc giữ PL trong trại giống thêm vài ngày để cải thiện sức khỏe và chất lượng của chúng. Một biến thể khác giúp đánh giá sức khỏe của PL được đề xuất bởi Brock và Main (The Oceanic Institute. Honolulu, HI. UNIHI-SEAGRANT-CR-95-01. 241 p. 1994). Cụ thể, đặt 100 con tôm giống được lấy ngẫu nhiên vào thùng chứa dung tích 10-15 lít nước ở nhiệt độ 22oC và độ mặn 5 ppt (hoặc ở nhiệt độ môi trường trong trại giống và độ mặn 0-1 ppt) trong vòng 1 giờ đồng hồ rồi tiến hành đếm số con còn sống khỏe mạnh. Nếu đạt trên 80% thì được đánh giá là đáp ứng yêu cầu.

Môi trường thích nghi và trang thiết bị

Chuẩn bị môi trường sống và các trang thiết bị thích hợp là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình thích nghi của PL. Môi trường sống bao gồm tất cả các bể chứa, bể lắng, thiết bị (bao gồm lưới, xiphong, xô, các đường ống nước và trang thiết bị khác…). Những yếu tố này cần đảm bảo sạch sẽ, khử trùng kỹ lưỡng bằng các hóa chất sát khuẩn như clo, các chất khử trùng, tiến hành rửa nhiều lần và phơi khô ráo dưới ánh nắng mặt trời. Việc dự phòng các trang thiết bị nếu có điều kiện rất được khuyến khích. Đặc biệt với các thiết bị quan trọng như máy sục khí (và nguồn điện cung cấp), máy đo khúc xạ. Tất cả các yếu tố cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi xuống giống như thức ăn hoặc nguồn artemia đông lạnh và các chất ức chế amoniac, than hoạt tính, vật đệm cùng các thiết bị khác.

Quy trình thích nghi chung

Các quy trình thích nghi chung đã được công bố cách đây một vài năm, bao gồm điều kiện về độ mặn tăng/giảm không quá 3 ppt mỗi giờ, mật độ 1.000-5.000 ấu trùng tôm mỗi gallon (khoảng 260-1.300 PL/1 lít nước); tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (hơn 3-4oC); duy trì nồng độ oxy hòa tan ở mức 6-7 ppm.

Quá trình thích nghi của PL có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, tại một trang trại có sự khác biệt về độ mặn, nhiệt độ giữa nước ao/ bể được thả với môi trường nước tôm giống được vận chuyển tối thiểu >3-4 ppt; 1-2oC. Sự thích nghi có thể đơn giản là đặt các túi nhựa để vận chuyển PL trong ao từ 30-60 phút (sau khi đục các lỗ nhỏ trên túi) rồi thả PL, phương pháp này thường ít được khuyến khích. Quá trình thích nghi cũng có thể bắt đầu ngay từ khâu vận chuyển từ trại giống đến trang trại nếu PL được vận chuyển với số lượng lớn. Việc này sẽ được thực hiện bằng cách thêm từ từ nước với các chỉ số mong muốn (nhiệt độ, độ mặn, pH) và sẽ được hoàn thành khi đến trại. Nhưng nói chung, ngày nay hầu hết các trại đều có các trạm thích nghi chuyên dụng hoặc sử dụng các trạm tạm thời được thiết lập dọc theo ao. Một số trang trại sẽ có cả 2 hoặc thậm chí có các hệ thống ương mới đang dần trở nên phổ biến.

Những thay đổi sinh lý của PL trong quá trình thích nghi

Môi trường nước trong các hệ thống nuôi đặc biệt là các bể/ao ngoài trời luôn thay đổi. Những thay đổi đột ngột và mạnh mẽ có thể dẫn đến việc tôm không thể tồn tại, thích nghi kịp hoặc có thể dẫn đến căng thằng, ảnh hưởng đến tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất tôm nuôi. Các dấu hiệu tôm bị căng thẳng thường thể hiện ở mức độ hành vi và mô học. Oxy hòa tan thấp, độ mặn thấp là hai thông số quan trọng ảnh hưởng tới các hoạt động sinh lý và trao đổi chất của PL trong quá trình thích nghi. Nhiều thay đổi sinh lý xảy ra trong quá trình thích nghi của tôm giống trước khi thả vào các hệ thống nuôi, các nhà quản lý ít nhất phải nhận thức được thay đổi nào là quan trọng nhất, sự liên quan của những thay đổi này và ý nghĩa của chúng.

Dinh dưỡng hợp lý là một khía cạnh quan trọng trong khả năng chịu đựng sự thay đổi của các yếu tố môi trường. PL được cho ăn chế độ có hàm lượng HUFAs (axit béo không bão hòa) cao thường có khả năng chống chọi tốt hơn với sự thay đổi về độ mặn trong quá trình thích nghi và mức tiêu thụ oxy có thể thay đổi để đáp ứng với sự thay đổi của độ mặn.

Các cơ sở thích nghi và hệ thống ương dưỡng hiện đại giúp PL thích nghi tốt trước khi được thả nuôi thương phẩm – Ảnh: Darryl Jory