Tăng tính chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Theo Cục Thú y, trong 9 tháng của năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh của cả nước khoảng 22.550ha, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, có khoảng 1.513 bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại do dịch bệnh. Cụ thể, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 19.853ha, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (diện tích bị thiệt hại là 19.631ha); chủ yếu thiệt hại ở loại hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa (14.465ha), còn lại là nuôi thâm canh, bán thâm canh. Ngoài ra, tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại trên 341ha, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; chủ yếu do mắc bệnh gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng… Ðối với các loại thủy sản khác không có biến động lớn so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu hoạch tôm tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Từ nay đến cuối năm, các địa phương theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết nhiều và chết bất thường để hướng dẫn, đề xuất các giải pháp tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh (lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh; hướng dẫn xử lý triệt để ao bệnh nhằm giảm thiểu thiệt hại, giảm thiểu nguy cơ lây lan rộng và làm ô nhiễm môi trường…). Cục Thú y đề nghị các địa phương tăng cường nguồn lực triển khai giám sát chủ động dịch bệnh theo kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên nuôi thủy sản giai đoạn 2021-2030; gắn kế hoạch giám sát chủ động dịch bệnh của doanh nghiệp, địa phương với việc tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định. Ðồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh thủy sản và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật cho các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu.

Tin, ảnh: CHI MAI

Nguồn: Baocantho.com.vn