Sớm gỡ thẻ vàng IUU, phát triển kinh tế thủy sản bền vững

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển ngành hàng cá tra, báo cáo các cơ quan chức năng để đẩy nhanh việc gỡ thẻ vàng IUU, phối hợp với các bộ ngành để ưu tiên hoàn thiện, thiết chế hạ tầng nghề cá.

Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị cao và được xuất khẩu, trong đó có mặt hàng cá tra nổi tiếng và gần như độc quyền trên thị trường thế giới với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu trong 2 thập niên vừa qua gần như không tăng, trong khi đó giá thành sản xuất lại tăng, giá bán của người sản xuất thấp khiến người nuôi thua lỗ.

Các quốc gia quanh Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Băng-la-đét cũng đang sản xuất được lượng cá tra tương tự như chúng ta và họ cũng đang có định hướng xuất khẩu. Bởi vậy, sự canh tranh trong thị trường chắc chắn sẽ tăng lên, do đó cần nhanh chóng có những giải pháp, tính toán cụ thể để giải quyết vướng mắc này, ông Nguyễn Thanh Phương, phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ chia sẻ.

Ngành thủy sản hiện nay đang vướng thẻ vàng của châu Âu, trong khi đó cơ sở hạ tầng khai thác thủy sản của Việt Nam lại rất yếu kém. Tới bây, chúng ta sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn thiện các thiết chế về khai thác, trong đó có một nhóm giải pháp tái cơ cấu hướng đến tập trung nuôi biển nhằm giảm thiểu áp lực lên vấn đề khai thác, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Về nguồn lực, nguồn vốn thực hiện chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững mới đáp ứng được khoảng 45% so với chủ trương phê duyệt và 30% so với nhu cầu theo quy hoạch được duyệt. Trong đầu tư trung hạn giai đoạn từ 2021 – 2025, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Nông nghiệp sẽ tập trung 2/3 số vốn trong tổng số 36.500 tỷ hoàn thiện thiết kế hạ tầng nghề cá bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các đại biểu về vấn đề tìm giải pháp gỡ bỏ thẻ vàng IUU trong phiên họp Quốc Hội vừa qua.

Gia Bảo