Quảng Bình: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, vụ nuôi tôm năm 2022 đã triển khai được hơn 05 tháng. Nhìn chung diện tích thả nuôi và sản lượng có tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên dịch bệnh xuất hiện và diễn biến khá phức tạp. Tính đến nay, dịch bệnh trên tôm đã xảy ra tại 21 hộ thuộc 05 xã, phường của 04 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích bị bệnh 11,93 ha (bệnh đốm trắng 11,61 ha, bệnh vi bào tử trùng 0,32 ha), chiếm 1,47% diện tích thả nuôi toàn tỉnh, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tôm chết đã xảy ra với tổng diện tích hơn 30 ha, chủ yếu tại 02 huyện Bố Trạch và Quảng Ninh. Kết quả giám sát dịch bệnh cho thấy mầm bệnh đốm trắng, vi bào tử trùng tồn lưu xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi nhưng người dân còn chủ quan trong công tác phòng bệnh, tự ý xả thải nước ao nuôi bị bệnh chưa qua xử lý ra môi trường; hệ thống cơ sở hạ tầng một số vùng nuôi chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; chính quyền địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa cấp đủ kinh phí để triển khai công tác phòng, chống dịch, hệ thống giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh chưa kịp thời và sát đúng thực tế.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản, phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; chủ động bố trí nguồn lực nhằm tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn có hiệu quả, nhất là kinh phí để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định bệnh, điều tra dịch tễ và hóa chất khử trùng; chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp với UBND cấp xã phân công cán bộ phụ trách điểm, bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nuôi, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh thủy sản, khi nhận được thông tin có thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký kê khai nuôi trồng thủy sản ban đầu, xác nhận kê khai và trình tự thủ tục đề nghị hỗ trợ khi bị thiên tai, dịch bệnh đúng quy định; các cơ sở nuôi khi phát hiện có tôm chết bất thường, nghi ngờ bệnh phải báo ngay cho UBND cấp xã, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện để được hướng dẫn kịp thời; thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo đúng quy định của Luật Thú y, tuyệt đối không xả nước nuôi bị bệnh ra ngoài môi trường, khi chưa xác định nguyên nhân thủy sản chết, chưa xử lý tiêu diệt nguồn bệnh; thu hút, tìm kiếm nguồn vốn xã hội hóa khi chưa có nguồn vốn từ Nhà nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, đặc biệt tại vùng nuôi tập trung để phát triển theo hướng thâm canh.

Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các địa phương phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho người nuôi, đặc biệt về chất lượng con giống, xử lý nguồn nước, theo dõi, giám sát ao, hồ nuôi, các biện pháp tiêu độc khử trùng, xử lý dịch bệnh trong cơ sở; theo dõi diễn biến thời tiết nhất là giai đoạn chuyển mùa để có kế hoạch phòng bệnh kịp thời cho tôm nuôi; thông báo kết quả quan trắc môi trường, dịch bệnh cho UBND cấp xã, vùng nuôi, hộ nuôi để cơ sở chủ động trong việc lấy nước, phòng bệnh…

PV Hồng Mến

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình,