Ngăn chặn dịch bệnh thủy sản cần sự đồng hành của người dân

Đó là thông điệp của ngành thủy sản Nghệ An. Thực tế cho thấy, để phát triển theo hướng bền vững, chính ý thức, trách nhiệm của người nuôi đóng vai trò tiên quyết.


Nghề nuôi tôm nói riêng cũng như tổng thể ngành thủy sản Nghệ An đang duy trì được sự ổn định cần thiết. Ảnh: Anh Khôi.

Cùng chung tay vượt khó

Bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 cùng hàng loạt vấn đề khó khăn, thách thức khác xuyên suốt 2 năm qua nhưng ngành chăn nuôi và thú y Nghệ An vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, quản lý tốt dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản là điểm sáng.

Đây là điều đáng ngợi khen, đặc biệt là trong bối cảnh ngành thủy sản bị “bủa vây” bởi hàng loạt yếu tố khách quan lẫn chủ quan, như: Quy hoạch cơ sở, hạ tầng vùng nuôi chưa đồng bộ; nhiều vùng nuôi không chủ động được nguồn nước; giá cả bấp bênh do phụ thuộc thị trường Trung Quốc; giá vật tư đầu vào tăng cao; khó triển khai các biện pháp phòng dịch; chức danh thú y xã chưa được bố trí đầy đủ…

Giữa bộn bề gian khó nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, của UBND tỉnh, của Sở NN-PTNT Nghệ An, đặc biệt là vai trò đậm nét của “chiếc cầu nối” Chi cục chăn nuôi và thú y đã hình thành nên mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị với chính quyền địa phương và người dân, tạo đà giúp công tác quản lý hoạt động nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh thủy sản ngày càng hiệu quả hơn.


Đối diện nhiều thách thức nhưng ngành thủy sản Nghệ An vẫn đạt được những bước tiến đáng ngợi khen. Ảnh: Anh Khôi.

Điều quan trọng là ý thức của người nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, phần lớn các ao/hồ có thủy sản chết bất thường được người nuôi báo cáo cho Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân gây bệnh.

Trên cơ sở diễn biến thực tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động bám sát địa bàn chỉ đạo, thực hiện. Kết hợp với sự nhập cuộc của UBND các huyện, xã và chính trách nhiệm của người dân đã đẩy nhanh công tác lấy mẫu xét nghiệm, nhờ đó các ổ dịch cơ bản được phát hiện sớm xử lý kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan.

Đó là lý do xuyên suốt năm 2021, tổng diện tích thủy sản nuôi bị bệnh chỉ ở mức 35,83 ha (trong đó bệnh trên tôm 23,77 ha, bệnh trên cá rô phi 12,06 ha).

Nâng tầm ngành thủy sản

Qua ghi nhận thực tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND các cấp, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện… đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo quy định Luật Thú y, Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và theo Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, đã tổ chức, thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về phê duyệt “Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn”.

Mục tiêu chung là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh (ATDB) để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Để công tác khống chế dịch bệnh đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi cùng lúc phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung. Trước tiên cần tập trung, huy động các nguồn lực để chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm.

Kế đó phải tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, kết hợp quy trình thả giống, kiểm tra chặt chẽ chất lượng đầu vào, thực hiện quy trình nuôi đảm bảo an toàn sinh học, quản lý chăm sóc theo hướng VietGAP, GlobalGAP…

Về phần chủ cở sở phải thường xuyên kiểm tra khu vực nuôi, trường hợp phát hiện động vật thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi mắc bệnh phải báo cáo ngay cho UBND cấp xã, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện để tiến hành lấy mẫu kịp thời.

Về phần Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, năm 2022 đơn vị đã thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động trên các đối tượng tôm, cá nuôi tại các cơ sở sản xuất giống thủy sản, các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Nghệ An; giám sát bị động tại các cơ sở nuôi có dấu hiệu bệnh, nghi ngờ bệnh, đã phát hiện một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, vi bào tử trùng trên tôm thẻ chân trắng, bệnh Streptococcus, Tilapia lake virus trên cá rô phi đơn tính) từ đó cảnh báo sớm dịch bệnh cho các vùng nuôi để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống.

Ngoài ra, Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT.


Ý thức, trách nhiệm của người nuôi là yếu tố tiên quyết để đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững. Ảnh: Anh Khôi.

Được cơ quan chuyên môn “cầm tay chỉ việc”, các hộ nuôi trên địa bàn thực hiện khá hiệu quả nhiều nội dung then chốt, như thu hoạch tôm khi đạt kích cỡ thương phẩm; không làm vương vãi tôm, nước ao nuôi ra môi trường xung quanh; xử lý ao nuôi bằng hóa chất Chlorine 30ppm, quạt nước liên tục trong 2-3 ngày, sau 7- 10 ngày mới tháo nước ra ngoài; dùng vôi bột rải bờ ao, vùng phụ cận để hạn chế vật chủ trung gian lây truyền bệnh.

Có định hướng chỉ đạo, có sự phối hợp nhuần nhuyễn từ trên xuống dưới tức thì mang lại kết quả khả quan. Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi tại các vùng nuôi thuộc 4 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai chỉ khoảng 84 ha, con số chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An.

Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, để nuôi trồng thủy sản thành công người dân phải mạnh dạn đầu tư đúng với quy mô, loại hình, đối tượng nuôi, đồng thời phải tuân thủ lịch mùa vụ, quy trình kỹ thuật nuôi, hơn ai hết phải thể hiện tính cộng động, hỗ trợ nhau trong tất cả các khâu, đặc biệt là công quá trình xử lý ổ dịch.

Anh Khôi

Nongnghiep.vn