Mưa lũ: Ác mộng của người nuôi tôm

Thời gian vừa qua, các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn bão đổ bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Thủy sản cũng là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề. Hàng trăm ha tôm bị xóa sổ, người nuôi lâm vào cảnh tay trắng sau vài ngày, chỉ còn biết ngồi nhìn khối tài sản của mình trôi theo dòng nước lũ…

Xóa sổ hàng chục ha tôm

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), thống kê sơ bộ của các địa phương tính đến ngày 16/11 cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ liên tiếp gây ngập lụt nghiêm trọng tại miền Trung là 9.931 ha (chiếm 25,9% diện tích đang nuôi), 2.180 ô lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại do nước ngọt đổ về, 39 tàu thuyền khai thác hải sản bị hư hại, giá trị thiệt hại khoảng 474 tỷ đồng.

Thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho thấy, sau các đợt mưa lớn vừa qua, toàn tỉnh thiệt hại hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng lên tới 3.200 tấn, tương đương số tiền hơn 250 tỷ đồng. Trong đó, các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất thiệt hại ước tính gần 170 tỷ đồng. Thống kê ban đầu, toàn huyện Thạch Hà có hơn 760ha nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, có những nơi nước ngập sâu từ 1- 1,5m tính từ bờ hồ, thiệt hại ước tính hơn 36 tỷ đồng. Anh Q.V (xã Thạch Sơn, Thạch Hà) chia sẻ, đợt lũ vừa qua nước dâng quá nhanh khiến gia đình anh không kịp xoay sở. Khoảng 4 tấn tôm đã đến ngày xuất bán, ước giá trị gần 500 triệu đồng đổ sông đổ biển. Sau mưa lũ, gia đình đã cố vớt vát nhưng chỉ còn lại bùn đất và một ít tôm bị chết. Bao nhiêu vốn liếng gia đình anh đổ vào vụ tôm này, hiện anh rất mong có thể vay vốn sửa chữa, cải tạo hồ và đầu tư nuôi tiếp trong những vụ tới.

Giống như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế cũng là một tỉnh vừa qua phải hứng chịu sự đổ bộ liên tiếp của các cơn bão, gây thiệt hại nặng nề. Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Trần Thanh Long thông tin, địa phương có diện tích nuôi thủy sản cao triều, hạ triều rất lớn. Trận lũ đặc biệt lớn bất ngờ đổ về cộng với triều cường dâng cao làm ngập toàn bộ diện tích 1.465 ha nuôi trồng thủy sản.

Tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, toàn bộ 166 ha nuôi tôm đầu tư trong 3 tháng qua của người dân đã theo dòng nước lũ cuốn trôi. Riêng tại huyện Vĩnh Linh, toàn huyện đã có trên hơn 75% diện tích ao nuôi tôm ngập sâu trong nước. Bao nhiêu công sức đầu tư, chăm sóc đến ngày thu hoạch giờ đây người dân rơi vào cảnh trắng tay khi dòng nước lũ đã cuốn trôi tất cả. Theo báo cáo nhanh của ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt đã gây thiệt hại lớn với trên 537 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản. Các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân, khi nước lũ đang lên không nên tổ chức các hoạt động vớt tôm, cá để tránh gây thiệt hại về tính mạng.

Không chỉ cá nhân nuôi đơn lẻ mà những công ty đầu tư nuôi tôm quy mô lớn cũng chung cảnh trắng đầm sao đợt mưa lũ vừa qua càn quét. Gần 1 tuần sau đợt lũ chồng lũ, vùng nuôi tôm thâm canh của Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ Tĩnh (Kỳ Thọ, Hà Tĩnh) trông vẫn ngổn ngang, đường điện đổ xiêu, bờ bao sạt lở chưa kịp đắp lại vì trời vẫn chưa ngớt mưa. Anh Phan Văn Lý, phụ trách kỹ thuật của công ty chia sẻ: “Vụ tôm trái giá cao hơn nhiều so với vụ chính nên năm nào doanh nghiệp cũng đầu tư lớn. Năm nay, lũ lớn chưa từng có khiến hơn 4 triệu tôm ở độ tuổi 1,5 tháng nuôi của công ty bị cuốn trôi, số còn lại sốc nước cũng không sống nổi”.

Bán tháo giá rẻ để gỡ gạc

Ông Lưu Quang Cần – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: thời điểm hiện tại, người nuôi đang đối mặt với tình trạng tôm bị sốc môi trường, giảm sức đề kháng, nhiễm bệnh và chết dần do mưa lũ liên tục. Các hộ phải chấp nhận bán sớm hơn kế hoạch dự tính.

Ông Lê Quang Anh – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng (Kỳ Hà, Hà Tĩnh) cho biết: Hơn 2/3 số tôm trong các ao nuôi của HTX đã trôi theo dòng nước lũ. Còn bao nhiêu tôm trong hồ thì bắt đầu thấy ăn ít, đỏ thân nên HTX quyết định xuất bán sớm gỡ gạc lại vốn. “Vừa rồi, tôi đã huy động nhân lực kéo được gần 4 tấn, số còn lại sẽ bán rải trong 2 – 3 ngày tới đây nhưng chắc sẽ không còn nhiều nữa. Các hộ nuôi khác tại xã cũng đã kêu người bán gấp hồ nuôi vì lo ngại tình hình sức khoẻ của tôm sẽ xấu đi” – ông Anh chia sẻ.

Tại Thừa Thiên Huế, những ngày sau lũ rất dễ bắt gặp những hình ảnh người nông dân chở tôm, cá bằng ghe nhỏ mang lên phố bán tháo với giá rẻ chỉ bằng 2/3 so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Hà, huyện Phú Vang (Tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, toàn bộ số tôm cá chị mang bán đều từ ao nuôi của gia đình. Đợt lũ vừa rồi khiến ao nhà chị thất thoát một lượng lớn tôm cá. Số còn lại chị phải mang bán tháo vì sợ môi trường nước không đảm bảo sẽ khiến số tôm, cá còn lại cũng chết dần. Coi như gỡ được chừng nào hay chừng đó, còn hơn là trắng tay. “Mọi năm, tới thời điểm này là gia đình tôi xuất bán tôm sú và cá mú lai rai tới cuối năm, tết đến nhờ mấy ao nuôi mà có đồng ra đồng vào chi tiêu mua sắm cho cả gia đình. Năm nay lũ dữ quét qua coi như mất hết”, chị Hà tâm sự.

Còn tại Khánh Hòa, do đã có kinh nghiệm từ những năm trước đây, nên người dẫn đã chấp nhận bán thán tháo, bán lỗ thủy sản nuôi với giá thấp ngay sau khi có cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cơn bão số 9 chuẩn bị đổ bộ. Các hộ nuôi cho biết, vụ cá chim, cá bớp năm nay được mùa, theo tính toán sẽ lời được một khoản khá lớn. Tuy nhiên, do phải bán sớm nên giá bán cá bớp chỉ 100.000-110.000 đồng/kg, giảm 20.000-30.000 đồng/kg so với trước đây.

Khẩn trương cải tạo ao hồ, xử lý môi trường thả giống vụ mới

Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi trồng thủy sản. Lũ chồng lũ khiến nhiều vùng nuôi lớn của các tỉnh miền Trung đã bị “xóa sổ” hoàn toàn. Ngoài khắc phục thiệt hại về tôm nuôi, người nông dân còn phải đối mặt với vấn đề sửa chữa ao bạt và trang thiết bị. Do ngập sâu trong nước nhiều ngày cùng với ảnh hưởng của gió bão nên dù đã được che chắn cẩn thận nhưng vẫn không thể tránh khỏi việc gió bão làm bạt bị thổi bung, rác theo dòng nước tràn về rồi tụ lại. Máy móc hư hại vì gió quăng quật cộng thêm với việc ngâm nước trong nhiều ngày… Tất cả gần như phải khôi phục lại từ đầu. Thêm nữa, nguồn nước ao nuôi ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng nước nuôi không còn đảm bảo. Bên cạnh đó, người nuôi còn phải đối mặt với các nguy cơ dịch bệnh phát tán, nhất là những bệnh do nhiễm khuẩn và độc tố.

Hiện Chi cục Thủy sản các tỉnh đã phân công cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình và kịp thời hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp kỹ thuật để xử lý môi trường nước đối với các diện tích nuôi trồng còn lại. Đồng thời nhanh chóng thống kê thiệt hại để báo cáo lên cơ quan chức năng.

Theo Sở NN&PTNT, trước mắt, các địa phương, người dân cần tuân thủ quy hoạch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng hợp lý, quy định về kích cỡ, mật độ thả giống…đảm bảo thủy sản sinh trưởng tốt, thu hoạch kịp thời, tránh mưa lũ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ thất thường, ngành thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, nghiên cứu, cơ cấu lại khung lịch thời vụ một cách hợp lý. Ngành thủy sản cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ các địa phương khắc phục nguồn giống thủy sản cho vụ nuôi sắp đến.

Minh Huệ (Tổng hợp)

Để giúp bà con vững lòng tin, nhanh chóng khôi phục sản xuất sớm, Tập đoàn Việt – Úc đã đồng hành cùng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã trao tặng 50 triệu tôm giống trị giá 6,5 tỷ đồng cho bà con. Trong đó 10 triệu tôm giống được hỗ trợ 100% cho bà con bị ảnh hưởng nặng, 40 triệu tôm giống còn lại hỗ trợ từ 30-50% cho người nuôi chịu thiệt hại nhỏ hoặc không đáng kể.