Một số tác động của vi bào tử trùng trên tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Nghiên cứu ảnh hưởng của nhiễm Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) đến sinh lý, chuyển hóa, miễn dịch và tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng.

Vi bào tử trùng là ký sinh trùng nội bào bắt buộc hình thành bào tử, chúng hiện diện ở khắp nơi và sự phân bố của chúng được báo cáo rộng rãi trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Gần đây, Enterocytozoon hepatopenaei (EHP), vi bào tử trùng, được coi là một mối đe dọa lớn đối với ngành nuôi tôm và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Cơ quan chủ đích của vi bào tử trùng này là gan tụy tôm (HP); bệnh do EHP gây ra được gọi là bệnh nhiễm vi bào tử trùng (HPM).

Nhiễm EHP không gây chết hàng loạt nhưng chúng có khả năng liên quan đến sự chậm lớn và thay đổi kích thước. Có rất ít nghiên cứu liên quan đến EHP về sự chậm lớn của tôm. Ngoài ra, một số nghiên cứu về phiên mã và protein đã điều tra sự chuyển hóa năng lượng, tăng trưởng và biểu hiện protein/gen miễn dịch liên quan đến nhiễm EHP. Gan tụy là cơ quan đóng vai trò chính trong việc tiết enzym tiêu hóa, tiêu hóa thức ăn, hấp thụ và dự trữ lipid, glycogen và khoáng chất. Cơ quan chủ đích mà EHP nhắm đến là gan tụy. Sự nhiễm trùng trên gan tụy có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết men tiêu hóa, tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa chất dinh dưỡng.

Thiết lập thử nghiệm

Tôm thẻ chân trắng (4 ± 0,21g) được lấy từ trung tâm Nghiên cứu Muttukadu của ICAR-Viện Trung ương Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ, Tamil Nadu, Ấn Độ. Trước khi bắt đầu thử nghiệm, tôm được xét nghiệm PCR để kiểm tra WSSV, IHHNV, IMNV và EHP. Tôm âm tính với WSSV, IHHNV, IMNV và EHP sẽ được sử dụng cho thử nghiệm.

Nhóm thử nghiệm (n = 30) tôm được gây nhiễm EHP bằng cách cho ăn lặp lại 3 lần bằng thức ăn viên nhân tạo. Nhóm đối chứng (n = 30) được cho ăn thức ăn công nghiệp. Thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm có kiểm soát (độ mặn 27 ppt, nhiệt độ 29°C, pH 7,9 ± 0,3) trong bể hình tròn 200L trong 90 ngày. Nghiên cứu đánh giá sự tăng trưởng và khả năng sống sót, các phản ứng tiêu hóa, sinh lý, miễn dịch ở các khoảng thời gian khác nhau giữa nhóm thử nghiệm so với nhóm đối chứng.

Các biến số chuyển hóa như triglyceride (TG), tổng protein (TP), cholesterol (CL), glucose (GLU), alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST) được sử dụng làm chỉ số về tình trạng sinh lý của tôm. Tổng số lượng hemocyte (THC), prophenoloxidase (PO), superoxide anion (SOA), superoxide dismutase (SOD), tổng lượng antioxidants (T-AOC) và catalase (CAT) được sử dụng làm chỉ số về tình trạng miễn dịch của tôm.

Kết quả

Hoạt động của enzyme tiêu hóa α- amylase và lipase của tôm được cảm nhiễm thấp hơn đáng kể (P <0,05) tại mọi khoảng thời gian so với tôm đối chứng. Các chỉ số chuyển hóa như triglycerid (TG), tổng số protein (TP), cholesterol (CL), glucose (GLU) và alanine aminotransferase (ALT) thấp đáng kể (P <0,05) ở nhóm cảm nhiễm EHP.

Nhiễm EHP (P <0,05) gây ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch không đặc hiệu thông qua việc giảm hoạt tính của alkaline phosphatase (ALP), catalase (CAT), γ- glutamyl transferase (GGT), tổng khả năng chống oxy hóa (T-AOC), anion superoxide (SOA), phenoloxidase (PO) và tổng số lượng hemocyte (THC).

Sau 90 ngày thử nghiệm, tăng trưởng của tôm ở nhóm cảm nhiễm EHP là 12,17 ± 0,8 g, thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng là 19,27 ± 0,5 g. Mức tăng trọng ở nhóm cảm nhiễm là 8,70 ± 0,91 g, trong khi nhóm đối chứng là 15,78 ± 0,53 g. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng ngày của nhóm cảm nhiễm là 96,72 ± 10,2 mg, trong khi nhóm đối chứng là 175,34 ± 5,9 mg. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của nhóm cảm nhiễm là 3,01 ± 0,29 cao hơn đáng kể (P <0,05) so với nhóm đối chứng là 1,64 ± 0,05. Tỷ lệ tôm sống sót sau khi nhiễm EHP sau 90 ngày là 71,1%.

Kết luận

EHP gây tổn thương nghiêm trọng cho gan tụy của tôm và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, bài tiết, hấp thụ và dữ trữ. Những tác động này ảnh hưởng đến sinh lý, chuyển hóa lipid, chuyển hóa carbohydrate, hệ thống miễn dịch và làm giảm khả năng tiêu thụ thức ăn, tăng FCR và chậm lớn ở tôm. Bệnh do EHP gây ra không gây chết hàng loạt nhưng được báo cáo là làm tôm chậm lớn, kích thước không đồng đều. Điều này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế trong việc nuôi tôm bền vững.

Thu Hiền (Lược dịch)