Lo ngại virus nguy hiểm trên tôm

Hơn tháng nay, thông tin về một loại virus nguy hiểm đã khiến những người nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc điêu đứng, suy sụp khi hàng loạt ao nuôi tôm bị chết hàng loạt. Thông tin này, cũng khiến những người nuôi tôm ở tỉnh Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung hết sức lo lắng.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở Vĩnh Tân.

Virus siêu nguy hiểm

Theo các chuyên gia nước này, loại virus có tên Decapod Iridescent Virus 1 (DIV1), được phát hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2014 nhưng đã xuất hiện trở lại vào mùa xuân năm ngoái và một lần nữa vào tháng 2 năm nay. Việc xuất hiện loại virus lạ đã làm thiệt hại khoảng ¼ diện tích sản xuất tôm ở tỉnh này và có nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của các hộ dân. Theo đánh giá, loại virus này có sức tàn phá khủng khiếp, khiến tôm nuôi chết trắng chỉ trong vòng 2 – 3 ngày khi vừa phát hiện.

Thông tin ấy, khiến các hộ dân đang nuôi tôm ở tỉnh hồi hộp, lo lắng. Anh Nguyễn Văn Vinh – một hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Chí Công – huyện Tuy Phong cho biết: “Đọc tin trên báo, tôi biết thông tin về loại virus nguy hiểm trên tôm xuất hiện ở Trung Quốc. Với những biểu hiện khi tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh như đầu tiên thân sẽ chuyển sang màu đỏ, sau đó vỏ của chúng mềm ra và tôm chìm xuống đáy ao. Với những biểu hiện ban đầu này rất giống với bệnh đỏ thân, đốm trắng mà những hộ nuôi tôm ở địa phương cũng từng gặp, dẫn đến tôm chết hàng loạt cách nay mấy năm”. Anh Vinh lo rằng, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, dịch bệnh rất dễ lây lan, nếu không may virus DIV1 theo đường biên giới vào Việt Nam, thì ngành nuôi tôm sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Những người nuôi tôm khác ở khu vực Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân cũng trong tâm trạng lo ngại tương tự. Vì chỉ cần 1 ao nhiễm virus nguy hiểm này thì các ao khác bị lây nhiễm rất nhanh và thiệt hại kinh tế là rất lớn. Anh Nguyễn Văn Lội (xã Vĩnh Hảo) chia sẻ: “Bệnh đốm trắng, đỏ thân, taura… diễn ra trên diện rộng đã khiến người nuôi tôm điêu đứng, nay lại nghe loại virus lạ trên tôm khiến các hộ dân rất hoang mang. Các hộ dân đang thả nuôi vụ chính trong năm, do đó, mong rằng ngành chức năng có những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này vào nước ta”.

Ngăn virus DIV1 vào Việt Nam

Tính đến thời điểm này, nguồn gốc của DIV1 và cách truyền bệnh của nó hiện vẫn chưa được làm rõ, nhưng được xác định là không lây sang người. Trước sự nguy hiểm của loài virus lạ, mới đây Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Thường trực BCĐ quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia); UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Điện Biên về việc tăng cường quản lý thủy sản vận chuyển qua biên giới.

Theo Bộ NN&PTNT, virus DIV1 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ tại tỉnh Phúc Kiến, tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh tại một số tỉnh của Trung Quốc. Hiện nay, chưa có thông tin về bệnh do DIV1 xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống, ngăn chặn bệnh do DIV1 xâm nhập vào nước ta, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản.

Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản theo quy định của pháp luật hiện hành. Các cơ quan công an, Bộ đội Biên phòng, quản lý thị trường tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các địa điểm tập kết, thu gom tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản nhập lậu qua biên giới để vận chuyển đi tiêu thụ…