Kỳ vọng lớn vụ tôm cuối năm

“Nhận định về xu hướng thị trường tôm châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động. Doanh số bán lẻ hoặc trực tuyến tiếp tục tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm”

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 7/2020 đạt 388,5 triệu USD, tăng 16,3% so với tháng 7/2019. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ sau 1 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, xuất khẩu (XK) tôm sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng tới 10% so với tháng 7.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong các tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu tôm có thể tăng 7,7% về lượng và tăng 5,82% về trị giá so với năm 2019, đạt 415,2 nghìn tấn và 3,52 tỷ USD.

Nguồn: Vasep

Bảy tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 71% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 17,2%. Tổng giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 12% trong khi xuất khẩu tôm sú giảm 14%.

Nửa đầu tháng 7/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế từ đầu năm tới 15/7/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt trên 179 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Hàn Quốc chiếm thị phần lớn gần 52%, bỏ xa các đối thủ như Thái Lan chiếm 11%, Ecuador 10%, Trung Quốc 5,3%. Việt Nam có lợi thế được miễn thuế nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc trong khi Ecuador chịu thuế 20%, Thái Lan 10%, Trung Quốc 15%, Ấn Độ 10% đối với sản phẩm tôm HS 030617…

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương, Arab Saudi đã chính thức cho phép 12 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trở lại mặt hàng thủy sản vào thị trường này. Đây một tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, mở ra hướng đi mới cho đầu ra của ngành thủy sản trong nước.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cho rằng, những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, khiến cho việc dự báo về xuất khẩu tôm trong những tháng còn lại của năm nay rất khó chính xác. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm chắc, theo dõi sát tình hình thị trường, tận dụng thời cơ giao hàng nhanh, luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng cho đối tác nước ngoài với giá hợp lý …

Còn theo TS Hồ Quốc Lực, hiện nay tôm nuôi đang bị dịch bệnh hoành hành (bệnh vi bào tử trùng EHP) khiến người nuôi giảm thả giống. Cho nên những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt tôm nguyên liệu. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đang tăng trưởng về giá trị nhưng xuất khẩu cả năm có thể chỉ ngang ngửa với năm 2019.

Người nuôi tôm được mùa, được giá

Với kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh, kéo giá tôm nguyên liệu tăng theo. Từ trung tuần tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ cỡ lớn đã tăng trở lại, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tôm thẻ loại 20 con/kg đã từ mức 170.000 đồng/kg đã tăng lên mức 180.000-185.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg đang có giá 145.000-148.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg giá 122.000-125.000 đồng/kg. Loại 50 con/kg có giá là 106.000-109.000 đồng/kg. Trái ngược với tôm thẻ cỡ lớn, tôm thẻ cỡ 60 con/kg về nhỏ hiện có giá thấp. Cụ thể, loại 60 con/kg giá chỉ 94.000-97.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 91.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000-74.000 đồng/kg. Riêng tại Bạc Liêu và Cà Mau, giá thấp hơn 1.000-3.000 đồng/kg tùy cỡ.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến tôm, một khi hoạt động xuất khẩu tốt, giá tôm nguyên liệu cũng tăng theo. “Nếu xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm, giá tôm sẽ còn tăng thêm, ít nhất kéo đến tháng 3 năm sau. Đây là tín hiệu tốt cho nông dân nuôi tôm” – ông Phục, Tổng giám đốc công ty CP Thủy sản sạch VN nhận định.

Ông Tám Khởi (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) – chủ 2 ao tôm – cho biết tại thời điểm thả giống, giá tôm thương phẩm khá thấp, chỉ ngang ngửa với chi phí đầu tư nên nhiều người nuôi tôm rất lo lắng giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp và khó bán vào thời điểm thu hoạch. “Sau khi xuống giống, tui cũng rất hồi hộp, không dám mạnh tay cho tôm ăn nhiều. Nhưng với giá tôm như hiện nay tui rất an tâm nên cho tôm ăn nhiều hơn. Hi vọng giá tôm vẫn giữ ở mức cao trong 2 tháng tới, khi tui thu hoạch 2 ao tôm” – ông Khởi kỳ vọng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giá tôm nguyên liệu trong những tháng đầu năm ở mức thấp, nông dân đắn đo không dám cải tạo ao, thả giống. Và tiếp theo đó là hạn hán, xâm nhập mặn khiến thiếu nước, độ mặn cao.

Đẩy mạnh nuôi vụ cuối năm đón đầu thị trường

Sóc Trăng là một trong 4 địa phương có vùng nuôi tôm thâm canh lớn nhất cả nước với gần 50.000ha. Đến hết tháng 7, vụ nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng trên 34.800ha đạt hơn 65% so với kế hoạch và trên 82% so với cùng kỳ 2019. Trong đó tôm thẻ chân trắng trên 25.800ha chiếm 74% diện tích thả. Hiện đã thu hoạch 10.900ha, sản lượng trên 48.700 tấn. Phần diện tích thiệt hại do dịch bệnh chiếm 6,4% diện tích thả, thấp hơn so cùng kỳ năm 2019 (8,8%). Điểm sáng là đã có nhiều công ty xuất khẩu thủy sản đầu tư hình thành vùng nuôi tôm sạch công nghệ cao đầy hứa hẹn, năng suất tôm thẻ nuôi đạt 8 – 12 tấn/ha/vụ. Sản lượng tôm có khả năng gia tăng đón đầu nhu cầu thị trường hồi phục sau dịch bệnh Covid-19 đi qua. Từ đầu năm đến nay Sóc Trăng đáp ứng được 4 tiêu chí EU chứng nhận sản phẩm đạt chứng nhận ATTP; đã xuất khẩu 240 tấn sản phẩm thủy sản, dẫn đầu các địa phương xuất khẩu hàng vào các nước EU.
Theo ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN (Sóc Trăng), thị trường xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm rất khả quan, không có gì đáng lo ngại, bản thân doanh nghiệp cũng đang có nhiều hợp đồng xuất khẩu với giá tốt. “Chúng tôi đang tập trung chế biến các mặt hàng tôm có giá trị cao để xuất sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu. Chỉ lo thiếu nguyên liệu, không đủ cung phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu” – ông Phục chia sẻ.

Theo thông tin từ sở công thương tỉnh Sóc Trăng, trong 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm của địa phương đạt khoảng 500 triệu USD, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng ấn tượng như Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (tăng 40%), Công ty CP Thủy sản sạch VN (tăng 26%), Công ty CP thực phẩm Sao Ta (tăng 9%)… Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết cho biết thêm, vụ thả nuôi tôm năm nay chậm hơn khoảng 30 ngày so với vụ tôm năm trước, sau khi môi trường ổn định nhờ mưa nhiều và giá tôm có dấu hiệu khởi sắc, nông dân tập trung thả giống. Những tháng cuối năm, ngành thủy sản sẽ gặp phải sự cạnh tranh của một số nước lớn. Dù vậy, về phía chúng ta, sẽ có những phân tích, đánh giá riêng về từng thị trường để có các giải pháp đồng bộ, kể cả việc đáp ứng các tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với những diễn biến thị trường tôm vừa qua, cùng những dự báo lạc quan về giá tôm từ nay đến cuối năm, có thể thấy cơ hội là rất lớn cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, liệu người nuôi tôm có nắm bắt được cơ hội này hay không vẫn còn phải chờ, bởi bên cạnh các yếu tố thuận lợi về giá, khả năng tiêu thụ lớn, người nuôi vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định về thời tiết, dịch bệnh và nhất là nguồn vốn để đầu tư thả nuôi.

P.V Tổng hợp