Kháng kháng sinh – “cơn sóng thần im lặng”

Theo Đại học Oxford, kháng kháng sinh (AMR) là nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong mỗi năm. Dự báo, đến năm 2050, mỗi năm sẽ có tới 10 triệu người tử vong, mà nguyên nhân có thể là do thuốc kháng sinh không còn ngăn ngừa hiệu quả các bệnh thông thường.

 

Tác hại của việc sử dụng bừa bãi kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đối với con người

Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của việc sử dụng các chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để phòng, trị bệnh dẫn đến sản phẩm động vật, thủy sản bị tồn dư kháng sinh, chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín thị trường xuất khẩu sản phẩm thủy sản và sản phẩm động vật của Việt Nam. Giờ đây, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng kháng kháng khuẩn bao gồm cả kháng kháng sinh (AMR).

AMR là gì?

AMR là tình trạng tự nhiên khi các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thích ứng với các loại thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn và khiến các loại thuốc này không còn hiệu quả trong điều trị bệnh. AMR thường là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách.

Kháng thuốc xảy ra khi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, virus hay ký sinh trùng trở nên kháng lại các loại thuốc kháng khuẩn. Quá trình kháng của các mầm bệnh sẽ bị đẩy nhanh khi việc sử dụng thuốc kháng sinh diễn ra không hợp lý hoặc quá mức. Kết quả là các thuốc trước đây vốn có hiệu lực chữa bệnh trên người và động vật trở nên kém hoặc thậm chí mất tác dụng, khiến khả năng điều trị bệnh thành công giảm xuống hoặc mất đi. Việc khống chế sự lây lan của vi khuẩn kém, điều kiện vệ sinh không đảm bảo hoặc thực phẩm không chất lượng cũng là các yếu tố làm gia tăng sự phát tán của mầm bệnh kháng thuốc trong môi trường.

Các quan sát về lợi ích tích cực của các chất kháng khuẩn này đã dẫn đến việc sử dụng chúng với mức độ ngày càng tăng vì nhiều lý do khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh. Việc sử dụng kháng sinh cho động vật từ khi sinh ra đến khi xuất bán đã trở thành một quy trình tiêu chuẩn với nhiều loài động vật khác nhau nhằm tăng cường sức khỏe và giúp tăng trưởng nhanh.

Tại sao phải quan tâm đến việc sử dụng kháng sinh

Tháng 11/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam. Theo WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia mà các năm gần đây phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu người chết vì nhiễm các mầm bệnh kháng kháng sinh. Đến năm 2050, con số này dự tính sẽ tăng lên thành 10 triệu người. Đây là những trường hợp tử vong có thể can thiệp được nếu việc sử dụng kháng sinh không bị lạm dụng. Hầu hết các quốc gia đều có quy định về việc sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh, nhưng khâu quản lý vẫn còn lỏng lẻo hoặc chưa có, điều này khiến cho việc sử dụng kháng sinh ngày càng trở nên bừa bãi.

Trong nuôi tôm, lý do lớn nhất dẫn đến việc sử dụng kháng sinh bừa bãi có lẽ là do các phương thức nuôi truyền thống cũng cũng như không nắm được các cơ sở khoa học. Khi tôm gặp vấn đề, đa số người nuôi không nắm bắt chính xác được nguyên nhân cơ chế bệnh trên con tôm của họ, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền có thể phân lập và xác định mầm bệnh tiềm ẩn, nhưng dịch bệnh thường có tính chất đa yếu tố với nhiều tác nhân gây bệnh. Rất ít người nuôi có thể nhìn ra được vấn đề này. Hầu hết tôm được nuôi bởi những hộ dân nhỏ lẻ, quy mô nhỏ và không được đầu tư về cơ sở hạ tầng. Họ có thể sở hữu từ 1-2 ao nuôi và thường một phần tài sản lớn của họ bị trói chặt vào ao nuôi. Bởi vậy, khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi thường sử dụng mọi phương pháp để cứu vớt khối “tài sản”, trong đó phương pháp sử dụng kháng sinh thường được ưu tiên bởi chi phí rẻ, cho hiệu quả nhanh chóng, khắc phục nhanh các vấn đề trước mắt. Đây không phải là một vấn đề có thể tự giải quyết bởi 1 cá nhân, doanh nghiệp nếu như không có thay đổi mạnh mẽ trong cách thức nuôi tôm.

 

Sự xuất hiện của mầm bệnh kháng thuốc sau khi điều trị bằng kháng sinh phổ rộng

(1)       Tương tác giữa vật chủ và hệ vi sinh vật giảm thiểu mầm bệnh (tế bào màu đỏ) bằng đối kháng trực tiếp hoặc thông qua điều chỉnh phản ứng miễn dịch của vật chủ.

(2)       Áp dụng phương pháp điều trị bằng kháng sinh phổ rộng nhắm vào mầm bệnh cũng như lợi khuẩn không gây bệnh của hệ vi sinh vật tự nhiên, do đó dẫn đến rối loạn sinh lý, tức là làm gián đoạn các tương tác giữa lợi khuẩn và vật chủ. Vi khuẩn mang gen kháng kháng sinh (tế bào màu đỏ có thành tế bào màu xanh) xuất hiện.

(3)       Vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển mạnh và thay thế vào chỗ lợi khuẩn bị giết khi điều trị bằng thuốc kháng sinh. Do đó, vật chủ không còn đầy đủ khả năng miễn dịch tự nhiên với mầm bệnh.

Xu hướng sử dụng kháng sinh

Theo báo cáo của 1 nghiên cứu trên Scientific Report, lượng tiêu thụ kháng sinh trên toàn cầu trong nuôi trồng thủy sản năm 2017 ước đạt 10,259 tấn. Dựa trên cơ sở này, các nhà nghiên cứu ước tính việc tiêu thụ kháng sinh trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 33% lên 13.600 tấn vào năm 2030. Khu vực châu Á, Thái Bình Dương chiếm phần lớn (93,8%) tiêu thụ toàn cầu, tỷ lệ này được dự báo duy trì ổn định suốt từ năm 2017-2030. Châu Phi (2,3%) và châu Âu (1,8%) lần lượt là khu vực tiêu thụ cao thứ hai và thứ ba trong năm 2017. Trong khi tỷ trọng tiêu dùng toàn cầu của châu Âu dự kiến giảm xuống 1,7% vào năm 2030, thị phần tiêu dùng toàn cầu của châu Phi dự kiến tăng 13% và đạt 2,6% vào năm 2030.

Bốn quốc gia có tỷ trọng tiêu thụ thuốc kháng sinh lớn nhất năm 2017 đều thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Trung Quốc (57,9%), Ấn Độ (11,3%) Indonesia (8,6%) và Việt Nam (5%). Các quốc gia này được dự báo sẽ vẫn là những nước tiêu thụ thuốc kháng sinh lớn nhất vào năm 2030 với dự kiến thị phần của Trung Quốc giảm nhẹ xuống còn 55,9%, Ấn Độ không có sự thay đổi còn Việt Nam và Indonesia lầ lượt tăng lên 5,2% và 10,1%. Đồng thời, bốn quốc gia này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất về sản lượng thủy sản.

Xu hướng sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản theo loài vào năm 2030 tại 5 quốc gia tiêu thụ cao nhất (Theo Aquaculture)

Lựa chọn thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

Những phương pháp thay thế kháng sinh được kỳ vọng có thể sử dụng phổ biến bao gồm:

(1) Men vi sinh: hiện nay các chế phẩm sinh học đã được sử dụng rộng rãi và mang lại kết quả rất tốt. Các chủng lợi khuẩn sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản là: Bacillus, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacter… 

(2) Thực thể khuẩn (Phages): là một thể “ăn” vi khuẩn có thể gây bệnh và tiêu diệt vi khuẩn. Việc sử dụng các sinh vật này là một lựa chọn khả quan, tuy nhiên vẫn đang nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô nhỏ.

(3) Peptide kháng sinh (AMPs) là một đoạn peptide hoặc một protein nhỏ có khả năng kháng lại vi sinh vật. Rất nhiều loài thủy sản có khả năng sản sinh petide kháng sinh khác nhau. Những loại AMPs này sẽ được sử dụng trong công nghiệp dược liệu và được sử dụng để kháng vi khuẩn kháng thuốc.

Trong một số trường hợp, kháng sinh vẫn là lựa chọn không thể thay thế để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng cần sử dụng hợp lý và thận trọng. Ngoài ra, không nên chỉ dựa hoàn toàn vào kháng sinh, đặc biệt là về lâu dài để chống lại bệnh do vi khuẩn. Điều cần thiết trong bối cảnh nuôi trồng thủy sản là giảm các nguồn ô nhiễm tiềm ẩn, cải thiện cân bằng môi trường vi khuẩn trong ao nuôi để nâng cao đề kháng tự nhiên của tôm cá.

TT Tên hóa chất, kháng sinh TT Tên hóa chất, kháng sinh
1 Aristolochia spp và các chế phẩm 13 Nitroimidazole
2 Chloramphenicol 14 Clenbuterol
3 Chloroform 15 Diethylstilbestrol (DES)
4 Chlorpromazine 16 Glycopeptides
5 Colchicine 17 Trichlorfon (Dipterex)
6 Dapsone 18 Gentian Violet (Crystal violet)
7 Dimetridazole 19 Fluoroquinolones
8 Metronidazole 20 Trifluralin
9 Nitrofuran 21 Cypermethrim
10 Ronidazole 22 Deltamethrin
11 Green Malachite (Xanh Malachite) 23 Enrofloxacin
12 Ipronidazole 24 Ciprofloxacin

Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản theo thông tư số 10/2016/TT-BNN ban hành ngày 1/6/2019 (Theo thông tin từ FAO)

 Nhiên (Tổng hợp)