Hải Phòng: Hiệu quả kinh tế bất ngờ khi “Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn”

Sau khi thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp Hải Phòng đang có kế hoạch nhân rộng các mô hình nuôi tôm càng xanh trên địa bàn.

Gian nan thuở ban đầu

Nuôi tôm càng xanh thường phổ biến trong các tỉnh phía Nam, ở miền Bắc, dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng việc nuôi rộng rãi mới chỉ bắt đầu mấy năm gần đây.

Tại Hải Phòng, hiện mới chỉ xuất hiện các mô hình nuôi thương phẩm tại các huyện An Lão, Kiến Thụy và quận Kiến An với tổng diện tích khoảng hơn 30ha.

Ghi nhận tại mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Nguyễn Văn Đạm, xã Tân Dân, huyện An Lão cho thấy, ngoài phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên ở Hải Phòng, loại tôm này còn cho hiệu quả kinh tế bất ngờ.


Anh Nguyễn Văn Đạm là người nuôi tôm càng xanh quy mô lớn nhất Hải Phòng hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Đạm chia sẻ, vốn là dân thủy sản nên gia đình anh tiếp cận việc nuôi tôm càng xanh khá sớm, tuy nhiên thị trường phía Bắc khá kén giống tôm càng xanh này do đầu to. Không có đầu ra, gia đình anh Đạm đành thu gom đồ nghề, chuyển sang làm việc khác, gác lại việc tôm, cá, mãi cho đến năm 2018 mới triển khai nuôi lại.

“Năm 2018, chúng tôi quay lại và triển khai nuôi, sau đó đi phát triển thị trường ở Hải Phòng, Hà Nội bất ngờ có nhiều người yêu chuộng, đặt hàng”, anh Đạm nhớ lại. Có mối tiêu thụ, anh Đạm mạnh dạn mở rộng dần quy mô mỗi năm một ít, có lúc tổng diện tích nuôi tôm đã lên tới trên 10ha.

Tuy nhiên, tưởng rằng mọi thứ đã vào guồng thì năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 bùng phát, việc lưu thông hàng hóa bị siết chặt, hệ thống nhà hàng khách sạn gần như đóng cửa khiến đầu ra cho tôm càng xanh bị ảnh hưởng nặng nề.


Khu vực ương tôm vào mùa đông. Ảnh: Đinh Mười.

Thêm vào đó, do tôm càng xanh không chịu được rét, vào mùa đông nếu chưa tiêu thụ hết mà không biết cách để bảo vệ sẽ bị chết, lúc đó thiệt hại đơn thiệt hại kép sẽ xảy ra.

Khó khăn bủa vây khó khăn, tưởng chừng như lần nữa đứt gánh giữa chừng, anh Đạm được cơ quan chức năng lựa chọn thí điểm mô hình “Nuôi tôm càng xanh toàn đực 2 giai đoạn“, được hướng dẫn các công nghệ mới và thêm tự mày mò học hỏi, những tử huyệt đã dần được khắc phục.

“Hiện chúng tôi giảm diện tích xuống chỉ còn 7ha nên vừa rồi thị trường tiêu thụ phục hồi nên không đủ hàng để bán. Nói chung, nuôi tôm càng xanh, khó khăn nhất là vụ đông, còn lại cũng khá thuận lợi, qua mùa đông mọi thứ đều tốt”, anh Đạm chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú Thọ, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện An Lão cho biết, nuôi tôm càng xanh tại xã Tân Dân là mô hình thí điểm đầu tiên của huyện và qua thống kê, theo dõi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, cao hơn nhiều so với nuôi các sản phẩm cá truyền thống.

“Chúng tôi xác định đây là mô hình điểm nên cũng đã tuyên truyền người dân chủ động nắm bắt các kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động người dân học tập mô hình như gia đình anh Đạm để cải thiện kinh tế.

Với diện tích trồng lúa không hiệu quả, huyện cũng sẽ có đề xuất để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Để người dân yên tâm sản xuất, yên tâm đầu ra, giá cả ổn định, chúng tôi đang xây dựng lộ trình để xây dựng sản phẩm OCOP với tôm càng xanh.” Ông Thọ nhấn mạnh.


Đầu tư cơ sở vật chất để nuôi tôm càng xanh không lớn. Ảnh: Đinh Mười.

Dễ nuôi, giá cao

Cũng theo anh Đạm, nuôi tôm càng xanh không khó, giai đoạn ấu trùng phải sống trong môi trường nước lợ, từ giai đoạn tôm bột đến nuôi thịt sống chủ yếu ở môi trường nước ngọt, tôm vẫn có thể sống trong môi trường có độ mặn dưới 10‰.

Tôm càng xanh sống được từ 18-38°C, nhưng tốt nhất từ 26-30°C, pH từ 6,5-8,0, thích ánh sáng vừa, ao nuôi thông thoáng, giàu oxy. Tôm thường ăn mạnh vào buổi tối, thức ăn là những loại có nguồn gốc động vật, sắn, gạo nấu chín, khoai lang, hoặc thức ăn công nghiệp,…

Về ao nuôi tôm cần lựa chọn gần nguồn nước để tiện cấp và dễ thoát nước, để chủ động thay nước rồi vệ sinh xung quanh bờ, lấp các lỗ hang để không cho các loài giáp xác trú ẩn, vét bùn đáy, bón vôi với liều lượng từ 8-10kg/m², tiến hành phơi nắng khi đáy ao khô nứt nhỏ.

Sau đó cấp nước vào ao qua màn lưới để lọc các loại cá, tôm, thiên địch… giữ mức nước trong ao từ 0,9-1,2m. Sau khi cấp nước vào ao tiến hành bón các loại phân để gây màu nước và ao đủ dinh dưỡng, nhiều sinh vật phù du làm thức ăn cho tôm rồi mới thả con giống vào ao nuôi.

Anh Đạm khẳng định, nuôi tôm càng xanh không vất vả như tôm thẻ, dù năng suất thấp hơn nhiều nhưng đổi lại loại tôm này có giá bán cao. Với diện tích nuôi hơn 7ha, nếu không xảy ra dịch bệnh, mỗi năm gia đình anh Đạm thu về khoảng 15 tấn tôm càng xanh, nếu tính giá trung bình là 350.000 đồng/kg, thu về hơn 5 tỷ đồng.


Nuôi tôm càng xanh năng suất thấp hơn tôm thẻ, nhưng hiệu quả kinh tế lại rất cao. Ảnh: Đinh Mười.

Rõ ràng, với mức này, bếu đưa ra so sánh trên thị trường thì mức giá này cao hơn hẳn so với tôm sú và tôm thẻ, nhưng có điều nghịch lý là hiện nay nhiều người ở Hải Phòng vẫn không dám đầu tư nuôi tôm càng xanh.

Lý giải về vấn đề này, anh Đạm cho rằng, lý do đầu tiên là không hiểu rõ về chuyên môn và sau đó là chi phí con giống, chi phí nuôi khá đắt đỏ.

“Với diện tích 1ha, nếu nuôi tôm thẻ, mỗi năm có thể thu 2 vụ với sản lượng trên dưới 30 tấn nhưng nuôi tôm càng xanh chỉ được 1,5 vụ và chỉ đạt hơn 2 tấn. Tuy nhiên, tôm thẻ rất nhạy cảm với môi trường, dịch bệnh nhiều, trong khi đó tôm càng xanh thường ít bệnh, không cần dùng kháng sinh và hóa chất nên sẽ an toàn hơn”, anh Đạm bộc bạch.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Phòng Chuyển giao Kỹ thuật thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng thừa nhận, nuôi tôm càng xanh rất phù hợp với điều kiện tự nhiên thành phố Cảng, hiệu quả kinh tế cao.

“Giống tôm càng xanh thường đắt gấp 50-60 lần tôm thẻ, còn về chi phí, nếu 1kg tôm thẻ mất từ 80-90 nghìn đồng chi phí thì với tôm càng xanh sẽ tốn gấp đôi. Tuy nhiên đổi lại, tôm càng xanh bán được giá cao và ít dịch bệnh hơn so với các loại tôm khác”, Tiến sĩ Thanh thông tin.


Lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện An Lão kiểm tra mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Đạm tại xã Tân Dân. Ảnh: Đinh Mười.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, tôm càng xanh đã được người dân nuôi từ những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng dân chủ yếu nuôi quảng canh và nuôi truyền thống, có cả đực cả cái.

Khi tôm lớn đến mức khoảng 15-20 con/kg tôm cái không lớn nữa, tôm đực sẽ vượt đàn, khi tôm cái lột dễ dẫn đến tình trạng ăn thịt lẫn nhau, lượng tôm hao hụt nên hiệu quả không cao.

Do vậy, người nuôi cần phải cập nhật được công nghệ, kỹ thuật mới, nếu không tỷ lệ sống thấp, năng suất thấp. Mặt khác người dân phải đầu tư cơ sở hạ tầng theo công nghệ, không thể nuôi như truyền thống được.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và đưa mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực vào sản xuất ở Hải Phòng cho thấy rất hiệu quả, do vậy trong năm nay và các năm tới, chúng tôi đang mở rộng thêm ra các địa phương để tăng thu nhập cho nông dân”, bà Thanh chia sẻ.

Theo Phòng Chuyển giao Kỹ thuật thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, một số bệnh thường gặp trên tôm càng xanh do ao bị bẩn, mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa làm cho tôm mắc bệnh sẽ khó lột xác, chậm lớn, dùng chế phẩm vi sinh xử lý đáy ao để phân hủy các chất tích tụ đáy ao, làm sạch nước.

Bệnh đốm đen nguyên nhân bệnh là do tác động từ bên ngoài, do môi trường nhiều vi khuẩn hay nấm tấn công tôm, dùng các loại thuốc diệt khuẩn, sát trùng với liều lượng theo hướng dẫn của thuốc.

Ngoài ra tôm càng xanh còn mắc các bệnh như: đỏ đuôi, mềm vỏ… cần theo dõi thường xuyên để xử lý kịp thời.

Đinh Mười, Nguyễn Thành

Báo Nông nghiệp Việt Nam