Dung lượng nhập khẩu tôm của EU và thị phần của Việt Nam (Quý I/2021)

[Người Nuôi Tôm] – Theo số liệu thống kê của Eurostat, nhập khẩu tôm của EU trong quý I/2021 đạt 150,66 nghìn tấn, trị giá 1,04 tỷ Euro (tương đương 1,24 tỷ USD), tăng 2,3% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu tôm từ thị trường nội khối của EU đạt 39,67 nghìn tấn, trị giá 347,98 triệu Euro (tương đương 414,26 triệu USD), tăng 4,3% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 26,3% trong tổng nhập khẩu của EU; nhập khẩu từ thị trường ngoại khối đạt 111 nghìn tấn, trị giá 691,4 triệu Euro (tương đương 823,1 triệu USD), tăng 1,7% về lượng, nhưng giảm 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

(Ảnh minh họa)

Trong thị trường ngoại khối, Ecuador là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho EU trong quý I/2021, đạt 26,58 nghìn tấn, trị giá 131,69 triệu Euro (tương đương 156,77 triệu USD), tăng 4,6% về lượng, nhưng giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường cung cấp lớn tiếp theo là Ấn Độ và Argentina.

Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 4 cho EU trong số các thị trường ngoại khối, đạt 10,32 nghìn tấn, trị giá 79,89 triệu Euro (tương đương 95,1 triệu USD), tăng 5,3% về lượng, nhưng giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. So với 3 thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho EU, nhập khẩu tôm của EU từ Việt Nam tăng mạnh hơn về lượng. Thị phần tôm của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU cải thiện từ mức 9% trong quý I/2020, lên 9,3% trong quý I/2021.

Thị trường cung cấp tôm cho EU quý I/2021 (Nguồn: Tính toán từ số liệu của Eurostat) Tôm mã HS 030617; 160521; 160527

Các cửa hàng dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại EU đã bắt đầu mở cửa trở lại khi các ca dương tính Covid-19 tiếp tục giảm và việc tiêm phòng được triển khai. Mùa hè thường là thời điểm tiêu thụ cao trong năm, do đó nhu cầu nhập khẩu tôm của EU tăng, nhưng lượng tôm đưa vào dự trữ vẫn thấp hơn mức chuẩn thông thường.

Hiện tại, lượng dự trữ tôm thực sự không nhiều vì người mua châu Âu, đặc biệt là ở Tây Bắc Âu, có xu hướng thận trọng trong việc lựa chọn nguồn cung. Ví dụ như ở Ấn Độ, việc số ca Covid-19 tăng, cùng với chi phí vận chuyển cao và nguồn cung cấp container từ châu Á khó khăn đã khiến khách hàng châu Âu thận trọng trong việc ký kết mua khối lượng lớn tôm. Bên cạnh đó, khách hàng châu Âu cũng bị thiệt hại về tài chính trong thời kỳ đại dịch. Vì vậy, họ không có sẵn tiền mặt nhiều để duy trì mức dự trữ lớn trong kho. Chính vì vậy, một số nhà nhập khẩu đã chuyển sang nhập khẩu tôm từ các nguồn cung thay thế, đáng tin cậy hơn so với việc quan tâm đến giá sản phẩm. Một trong những quốc gia được hưởng lợi là Việt Nam, quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do với EU. Nguồn cung tôm từ thị trường nội khối EU cũng được quan tâm hơn khi vấn đề về hậu cần được đảm bảo hơn.

Trước mắt, xu hướng này cũng khiến cho giá tôm nội địa trong EU tăng, đặc biệt là ở Tây Bắc Âu, tại các cảng của Rotterdam hoặc Hamburg. Trong khi thị trường Bắc Âu chủ yếu có nhu cầu tôm chế biến sẵn, ngành chế biến tôm lớn ở Nam Âu thường tập trung mua tôm nguyên liệu thô nhiều hơn. Và do các nhà nhập khẩu dự kiến thời gian chế biến tôm sẽ kéo dài hơn do các hạn chế trong các nhà máy liên quan đến Covid-19, nên lĩnh vực chế biến cũng đang bắt đầu chuẩn bị nhập khẩu tôm cho mùa Giáng sinh và nhu cầu tôm nguyên liệu cỡ lớn đang tăng.

Về xu hướng tiêu thụ trong thời gian tới, dù lượng tôm tiêu thụ trong lĩnh vực bán lẻ sẽ giảm khi dịch vụ thực phẩm hoạt động trở lại, nhưng mức tiêu thụ nhiều khả năng sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch Covid-19. Người tiêu dùng châu Âu đã quen hơn với việc nấu sản phẩm tiện lợi từ kênh bán lẻ và xu hướng đó sẽ không sớm biến mất. Trong ngắn hạn, nhu cầu sản phẩm cho lĩnh vực dịch vụ ăn uống sẽ tăng mạnh, khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và ngành du lịch tại châu Âu mở cửa trở lại.

Phạm Huệ

Tin mới nhất

T4,08/05/2024