Bình Định: Quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản: Giúp người nuôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả

Thực hiện chương trình phòng chống dịch bệnh dịch thủy sản hằng năm, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định phối hợp với phòng chức năng ở các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác quan trắc môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, qua đó giúp người nuôi chủ động trong công tác quản lý chất lượng nước trong ao nuôi và phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả.

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng Phòng Nuôi trồng Thủy sản (Chi cục Thủy sản), để kết quả đánh giá chất lượng nước có độ tin cậy cao, việc lựa chọn địa điểm quan trắc phải tuân theo tiêu chí môi trường nước có tính chất đại diện của một vùng: Chung chế độ thủy văn, chung nguồn nước, dễ tiếp cận thu mẫu. Trên cơ sở đó, thông qua hệ thống quan trắc viên cơ sở, Chi cục triển khai thực hiện quan trắc môi trường ở vùng nuôi tôm nước lợ tại 10 điểm ở vùng bờ biển, vùng đầm nước lợ tại các địa phương: Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn; vùng nuôi thủy sản nước mặn, quan trắc 1 điểm tại vùng biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn; vùng nuôi thủy sản nước ngọt, quan trắc 1 điểm tại thượng nguồn hồ Định Bình (thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh).

Ông Phạm Tấn Hương, người nuôi tôm ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, đã nhiều năm cộng tác với Chi cục Thủy sản để thực hiện quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản tại khu vực cửa đầm Đề Gi. Ảnh: HOÀI THU

Thời gian thực hiện quan trắc môi trường nước (các mẫu nước, thực vật phù du, thủy lý, thủy hóa, thủy sinh) bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 10 hằng năm. Đối với vùng nuôi tôm nước lợ, quan trắc theo con nước thủy triều với tần suất 2 lần/tháng vào thời điểm gần đỉnh triều. Riêng vùng biển xã Nhơn Hải thì tần suất quan trắc là 1 lần/tháng. Kết quả quan trắc các thông số môi trường nước được cập nhật và xử lý bằng phương pháp thống kê trên phần mềm Excel, so sánh, đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng nước từng vùng nuôi căn cứ vào giá trị ngưỡng thích hợp đối với nuôi trồng thủy sản.

Ông Phạm Tấn Hương, quan trắc viên tại khu vực cửa đầm Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), chia sẻ: Tôi đã cộng tác nhiều năm với Chi cục để thực hiện quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Tôi có nhiều năm nuôi tôm nên thấy rõ vai trò quan trọng của công tác này có tác động trực tiếp đến kết quả nuôi của nhiều hộ ở địa phương. Mình phải có tinh thần trách nhiệm để thực hiện theo đúng phương pháp, dụng cụ được cung cấp, như: Mẫu nước phục vụ quan trắc môi trường nước được thu theo dạng mẫu đơn; mẫu thực vật phù du thì dùng lưới vớt thực vật nổi kéo ngang theo hình số 8 tại điểm quan trắc. Mẫu thu được chuyển vào lọ thủy tinh nút mài 125 ml, hoặc chai nhựa đã vệ sinh sạch tạp chất, đánh dấu mẫu và bảo quản bằng hóa chất chuyên dụng.

Vài lưu ý về nguồn nước và xả thải

Đối với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, người nuôi không nên lấy nước trực tiếp vào ao, phải qua hệ thống ao chứa, lắng để xử lý trước khi sử dụng. Nước xả thải, siphon đáy ao phải qua xử lý, không được thải trực tiếp ra môi trường chung làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến cộng đồng… Đối với các lần quan trắc có kết quả với 3 thông số không nằm trong ngưỡng thích hợp, thì độ an toàn của chất lượng nước không cao. Do đó, người nuôi cần có giải pháp chủ động xử lý, điều chỉnh các thông số đạt ngưỡng thích hợp thông qua sử dụng vôi, chế phẩm sinh học… trước khi sử dụng để thả nuôi hay thay nước.

Ông NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản

Trên cơ sở kết quả quan trắc, Chi cục đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật về môi trường kịp thời và thông tin đến người nuôi, gửi công văn thông báo kết quả đến các địa phương, đăng tải trên website Sở NN&PTNT, bản tin nông lâm thủy sản…

Ông Dương Văn Tường, một người nuôi tôm ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, cho hay: Chúng tôi thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước ở điểm quan trắc tại khu vực cống Nhân Ân, xã Phước Thuận; thực hiện theo các khuyến cáo của đơn vị chức năng để có các biện pháp chủ động trong việc quản lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho tôm đạt hiệu quả. Nhờ theo dõi thường xuyên việc nuôi tôm của chúng tôi thuận lợi hẳn.

Phục vụ cho hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022, Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, với các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường vùng nuôi cho người sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Tuyên truyền người nuôi thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 về phương thức nuôi, mật độ, thời gian thả..

Tác giả: HOÀI THU

Nguồn tin: Báo Bình Định