Bạc Liêu mở rộng mô hình con tôm ôm cây lúa ngon nhất thế giới

Mô hình “con tôm ôm cây lúa” được nâng cao với giống lúa ST24, ST25 ngon nhất thế giới cùng nuôi tôm siêu thâm canh, áp dụng công nghệ cao đang phát triển mạnh ở Bạc Liêu, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân nơi đây.

Đây là một trong 5 trụ cột kinh tế mà tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện trong suốt nhiều năm qua.

“Thủ phủ” mới của lúa ST

Giống lúa ST25 đoạt giải “ngon nhất thế giới” vào đầu năm 2020 đã trở thành “cú hích” thật sự để bà con Bạc Liêu mạnh dạn trồng, bởi qua sản xuất thử nghiệm thấy phù hợp và đang thu hút trên thị trường.

Anh Nguyễn Văn Biển (nông dân ở ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) cho biết, vài năm trước anh có đi nhà người quen ở huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) và biết được giống lúa ST đang trồng khá thành công ở đây nên mua về trồng thử, không ngờ quá hiệu quả nên vài vụ vừa qua anh chuyển hẳn sang trồng lúa ST24 hết diện tích hơn 30 công đất của mình.

Theo anh Biển, trồng lúa này có “điểm cộng” là ít sâu bệnh, giá bán cao (vụ đông xuân anh bán được 7.200 – 7.300 đồng/kg), tính ra mỗi công anh lời 4 – 5 triệu đồng thay vì chỉ mức 2 – 3 triệu đồng như các giống OM18, Đài Thơm 8… trồng trước đây.

Ông Nguyễn Văn Thới, chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết huyện cũng quy hoạch 1.500ha trồng các giống lúa ST24, ST25. Vụ mùa năm 2019, nông dân trong huyện trồng lúa này thử nghiệm cho thấy năng suất khá cao, bán được giá trung bình khoảng 7.000 đồng/kg, trừ các chi phí tính ra có lãi khoảng 33 triệu đồng/ha, chênh lệch khá lớn với các giống lúa khác đã trồng trước đó (chỉ lời khoảng 22 triệu đồng/ha).

Ông cho biết thêm những hộ dân trồng giống lúa này ngoài được hỗ trợ 50% giống, còn được Nhà nước hỗ trợ mỗi hecta 500.000 đồng tiền phân thuốc.

Ông Lê Văn Tần, chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết theo kế hoạch huyện triển khai sản xuất 1.500ha giống lúa ST24, ST25, nhưng thực tế có nhiều doanh nghiệp khác ngoài kế hoạch này hợp tác, bao tiêu với nông dân thêm khoảng 500ha nữa.

“Đối với diện tích 1.500ha nêu trên, ngoài được doanh nghiệp bao tiêu với giá 6.500 đồng/kg, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua giống, vì vậy nông dân rất đồng tình, hưởng ứng”, ông Tần cho hay.

Nở rộ nuôi tôm siêu thâm canh

Ngoài mô hình lúa – tôm ở vùng bắc quốc lộ 1, Bạc Liêu còn được biết đến với mô hình siêu thâm canh ở vùng nam quốc lộ 1. Ông Lưu Hoàng Ly – giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu – cho biết nếu 2 năm trước cả tỉnh chỉ có 49ha nuôi tôm siêu thâm canh thì nay đã có 2.560ha, có sự tham gia của 449 hộ gia đình.

Nhiều hộ dân từ nơi khác đến sẵn sàng bỏ ra 1 tỉ đồng để mua đất nuôi tôm và thực tế đã “ăn nên làm ra”.

Đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh lớn ở TP Bạc Liêu cho biết mô hình siêu thâm canh trong nhà kín dễ kiểm soát nước, dịch bệnh, thức ăn và lại nuôi ở mật độ dày nên hiệu quả rất cao (năng suất tăng từ 10 đến 15 lần so với nuôi thông thường).

Ông Dương Thành Trung – chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – cho biết tỉnh đã quy hoạch và triển khai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (rộng hơn 400ha tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu). Hiện khu này đã hoàn thành gần 90% hạ tầng kỹ thuật và đã chọn được 9 doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đây.

“Doanh nghiệp vào đây có những công nghệ tiêu biểu, từ đó sẽ lan tỏa ra dân bởi mục tiêu của tỉnh thực hiện khu nông nghiệp này là tạo sự lan tỏa. Bên cạnh đó, vùng nam quốc lộ 1 thiếu nước ngọt nuôi tôm trong những thời điểm nhất định thì sắp tới “bài toán” này sẽ được giải quyết bởi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa đồng ý làm 2 cống âu thuyền ở khu vực thị trấn Hộ Phòng (thị xã Giá Rai) và Vàm Lẽo (TP Bạc Liêu) để kiểm soát, trung chuyển nước ngọt cho vùng chuyên tôm”, ông Trung nói.

Chí Quốc Tuổi Trẻ