Astaxanthin và Probiotics: Sự kết hợp trong thức ăn của tôm thẻ chân trắng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Trong nghiên cứu mới đây của Nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm trọng điểm của Nhà nước về sử dụng tài nguyên biển ở Biển Đông (Đại học Hải Nam – Trung Quốc), các tác giả đã đánh giá tác dụng của Lactococcus lactis và Astaxanthin với mục đích làm sáng tỏ những tác động có lợi đối với hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và khả năng kháng bệnh của tôm thẻ chân trắng L. vannamei.

 

Lạm dụng kháng sinh và một số loại thuốc – hóa chất khác trong nuôi tôm đã, đang và sẽ dẫn tới những nguy cơ tiềm tàng về gia tăng khả năng kháng thuốc, ô nhiễm môi trường và mối nguy an toàn thực phẩm. Nhiều chuyên gia đã có khuyến cáo phát triển hướng đi với những phương pháp dinh dưỡng phòng bệnh để có thể tạo nên sự bền vững cho ngành tôm.

Trong vài thập kỷ qua, các probiotics, bao gồm cả nhóm vi khuẩn lactic (LAB) đã chứng minh được hiệu quả trong việc cải thiện tăng trưởng, hoạt động tiêu hóa, khả năng miễn dịch và khả năng kháng bệnh của động vật thủy sản. Nhóm vi khuẩn này có thể xâm nhập vào niêm mạc ruột và chịu được độ pH thấp và muối mật, điều này làm cho chúng trở thành chế phẩm sinh học thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng Astaxanthin một loại carotenoid thứ cấp, phổ biến trong động vật giáp xác và các sinh vật biển khác. Do được ưu tiên hấp thụ trong đường tiêu hóa và có thể làm lắng đọng trong thịt, Astaxanthin đã được sử dụng như một chất phụ gia thức ăn hiệu quả cho cá (Nogueira & cs., 2021). Ngoài ra, bổ sung Astaxanthin được phát hiện không chỉ cải thiện sắc tố ở tôm mà còn tăng cường hiệu suất tăng trưởng, phản ứng miễn dịch và hàm lượng axit béo của chúng (Wang & cs., 2018).

 

Phương pháp nghiên cứu

Các khẩu phần ăn được xây dựng tương ứng với mỗi nghiệm thức cụ thể như sau:

  • Nhóm CK (Đối chứng), tôm được cho ăn công nghiệp (TACN);
  • Nhóm L: TACN + lactis (1 × 108 CFU g −1);
  • Nhóm A: TACN + Astaxanthin (250 mg g– 1);
  • Nhóm LA: TACN + lactis (1 × 108 CFU g−1) + Astaxanthin (250 mg kg-1).

Thức ăn công nghiệp với độ đạm 40% sử dụng trong nghiên cứu được sản xuất bởi Haida Feed, Trung Quốc. Thức ăn thí nghiệm cho tôm được làm khô ở 250C trong 24 giờ và chuẩn bị 1 tuần/lần, sau đó được bảo quản ở 40C trong túi hút chân không cho đến khi sử dụng.

Tôm được lựa chọn là những cá thể khỏe mạnh, không dị hình và nuôi thuần trong 2 tuần trước khi bắt đầu thí nghiệm. 1.200 cá thể tôm (trọng lượng trung bình ban đầu: 4,09 ± 0,41g) được chọn ngẫu nhiên vào 12 bể (400 L/bể), (100 con/bể), tương ứng với 4 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Tôm được cho ăn 4 lần/ngày (07h, 12h, 17h và 22h) ở mức 5% trọng lượng cơ thể trong 4 tuần.

Các thông số dùng để đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung L. lactis và astaxanthin trong thức ăn đến tôm trong nghiên cứu này là hiệu suất tăng trưởng, khả năng tiêu hóa, khả năng chống oxy hóa, miễn dịch và kháng vi khuẩn Vibrio alginolyticus.

 

Kết quả nghiên cứu

Sau 4 tuần thí nghiệm, tôm được cho ăn chế độ A ghi nhận trọng lượng cao nhất, tiếp theo là tôm ăn theo chế độ L và LA, với tôm ở nhóm đối chứng ghi nhận thấp nhất (P < 0,05). Sự khác biệt đáng kể được ghi nhận WGR ở nhóm A và LA so với nhóm chứng (P <0,05), trong khi không có sự khác biệt đáng kể nào được ghi nhận giữa nhóm L và nhóm chứng (P> 0,05). Ngoài ra, tôm ăn nhóm L, A và LA ghi nhận tốc độ tăng trưởng tuyệt đối cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (Bảng 1).

IBW: khối lượng ban đầu; FBW: khối lượng cuối cùng; WG: trọng lượng; WGR, tỷ lệ tăng trưởng; SGR, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối.

 

Lactococcus lactis và Astaxanthin có thể cải thiện hiệu suất tăng trưởng của tôm, WGR và SGR cao hơn được ghi nhận ở tôm nuôi thức ăn có bổ sung Astaxanthin, mặc dù không có ý nghĩa giữa các nhóm điều trị. Mặt khác, khả năng tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của L. lactis đơn lẻ và L. lactis + Astaxanthin trên tôm thẻ chân trắng không tốt bằng tác dụng của riêng Astaxanthin, điều này chứng tỏ L. lactis và Astaxanthin không có tác dụng hiệp đồng đối với hiệu suất tăng trưởng.

Hình 1. Hoạt động của Amylase (AMS), lipase (LPS) và trypsin (TPS) ở tôm được cho ăn các chế độ ăn khác nhau sau 1 và 4 tuần cho ăn.

 

Kết quả nghiên cứu này cho thấy hoạt động của các enzym tiêu hóa (amylase và trypsin) của tôm được ăn thức ăn có bổ sung L. lactis tăng lên đáng kể so với tôm đối chứng. Hơn nữa, tôm được cho ăn có Astaxanthin ghi nhận hoạt động của enzym tiêu hóa cao hơn đáng kể so với tôm chỉ bổ sung L. lactis hoặc kết hợp. Vì vậy, L. lactis và Astaxanthin không có tác dụng hiệp đồng đối với hoạt động của các enzym tiêu hóa của tôm.

Đối với các enzyme miễn dịch & chống oxy hóa, ngoại trừ ACP ở tuần 1, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong tất cả các hoạt động enzym miễn dịch ở tôm thuộc nhóm L và nhóm CK trong suốt thí nghiệm (P > 0,05) (Hình 2). Tuy nhiên, tôm được cho ăn theo chế độ A có hoạt tính AKP, LZM, T-AOC và SOD trong gan tụy cao hơn so với tôm ở nhóm CK (P < 0,05). Hơn nữa, tôm ở nhóm LA có hàm lượng MDA thấp hơn đáng kể ở tuần 1 so với đối chứng (P < 0,05). Kết quả của nghiên cứu này cho thấy hoạt động của AKP cao nhất khi tôm được bổ sung Astaxanthin. Hơn nữa, hoạt động của LZM ở tôm được cho ăn Astaxanthin đơn lẻ hoặc kết hợp cao hơn đáng kể so với ở tôm được cho ăn chế độ ăn đối chứng.

Hình 2. Acid phosphatase (ACP), alkaline phosphatase (AKP), lysozyme (LZM), tổng khả năng chống oxy hóa (T-AOC), hoạt động của superoxide dismutase (SOD), và hàm lượng malondialdehyde (MDA) của tôm nuôi bằng các chế độ ăn khác nhau sau 1 và 4 tuần cho ăn.

 

Tôm được cảm nhiễm với vi khuẩn V. alginolyticus HN08155 sau khi kết thúc 4 tuần với thử nghiệm cho ăn. Tỷ lệ chết được ghi nhận sau mỗi 12 giờ (Hình 3). Tỷ lệ chết trung bình của tôm được nuôi bằng khẩu phần chứa L. lactis; Astaxanthin; L. lactis + Astaxanthin và đối chứng (chỉ có TACN) lần lượt là 43%, 30%, 35% và 65%. Kết quả cho thấy tôm ở nhóm CK có tỷ lệ chết tích lũy cao hơn đáng kể so với tôm ở các nghiệm thức được xử lý sau 72 giờ (P < 0,05). Đáng chú ý, tỷ lệ chết tích lũy thấp nhất được quan sát thấy ở tôm trong nhóm A.

Hình 3. Tỷ lệ chết cộng dồn của tôm thẻ chân trắng được nuôi bằng các chế độ ăn khác nhau sau khi cảm nhiễm với vi khuẩn V. alginolyticus

 

Kết luận, việc bổ sung Astaxanthin trong thức ăn tốt hơn so với sự kết hợp của nó với L. lactis trong việc cải thiện năng suất sinh trưởng, khả năng chống oxy hóa, khả năng miễn dịch và khả năng kháng bệnh do vi khuẩn của tôm thẻ chân trắng L. vannamei. Vì vậy, trong nuôi trồng thủy sản, trước khi sử dụng men vi sinh và prebiotics trong nuôi trồng thủy sản, chúng ta nên tìm hiểu trước tác dụng đối kháng giữa các thành phần của các chất này. Việc sử dụng bừa bãi không chỉ có thể làm tăng chi phí nuôi mà còn không có lợi cho sức khỏe vật nuôi.

Chinh Lê