5 yếu tố giúp nuôi tôm về size lớn

Thực hiện đủ, đúng, triệt để 5 nội dung cốt lõi để nuôi tôm về size lớn, giúp người nuôi tăng lợi nhuận.

Từ tháng cuối quí II/2022, giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm trên thị trường Miền Tây tăng, mang lại lợi nhuận đáng kể cho bà con nuôi nuôi tôm. Ở thời điểm chúng tôi viết bài, giá tôm thương phẩm ở vùng nuôi tập trung như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre…tôm 40 con/kg giá bán 135.000 /kg, tôm về các size lớn như 25 con/kg giá bán ≥ 185.000 đ/kg. Tôm về size lớn có giá bán cao, lợi nhuận tốt hơn với tôm size nhỏ.

Hầu hết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay, bà con đều ứng dụng công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn. Diện tích nuôi nhỏ ≤ 1.500 m2, mật độ thả dày 1.000 – 2.000 post/m3 nước, giai đoạn ương; 500 – 700 con/m2, giai đoạn 2 (nuôi tôm lứa); 200 – 400 con/m3, giai đoạn 3 (nuôi tôm thương phẩm). Sau thời gian nuôi 90 – 120 ngày, tôm về size lớn 25 đến ≤ 20 con/kg, tiến hành thu hoạch.

Thông thường trong quy trình nuôi siêu thâm canh, công nghệ cao thì sau 60 ngày nuôi, bà con tiến hành thu tỉa tôm nhiều đợt, giãn thưa mật độ nuôi, chuyển ao, để cải thiện môi trường, kích thích tôm lột xác, tăng trưởng. Dùng thức ăn đạm tăng dần theo thời gian nuôi, tạo điều kiện dinh dưỡng tối ưu, bổ sung thời gian ngắn, để tôm mau rút size, về size lớn. Thu hoạch tôm size lớn, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian, nâng cao giá trị hàng hoá, cải thiện lợi nhuận đáng kể cho bà con nuôi tôm.

Kết hợp 5 yếu tố sau để nuôi tôm về size lớn

1. Chất lượng con giống

2. Chất lượng môi trường

3. Chất lượng thức ăn và hàm lượng đạm

4. Dinh dưỡng bổ sung

5. Thu tỉa tôm

Để nuôi tôm về size lớn, yếu tố đầu tiên chúng tôi đề cập là chất lượng con giống. Con giống có nguồn gốc, giống sinh sản từ bầy tôm bố mẹ đủ tiêu chuẩn, nhập khẩu, sinh sản không quá 3 lần. Giống được gia hoá, lai tạo, cho ra thế hệ F1 có sức đề kháng dịch bệnh cao, khả năng miễn dịch tốt, tăng trưởng vượt trội, tỷ lệ sống cao, tôm về size lớn khi nuôi đúng kỹ thuật. Giống ương nuôi theo quy trình sử dụng tảo có lợi, hạn chế hoá chất, thuốc kháng sinh.


Chất lượng con giống là yếu tố tiên quyết để nuôi tôm về size lớn. Ảnh: Tuan Nguyen.

Về mật độ thả nuôi, bà con cần quan tâm, kích thước tôm postlarvae 8 – 12 cung cấp phổ biến trên thị trường, tôm giống rất nhỏ, cần thiết ương thêm thời gian, chăm sóc đặc biệt hơn. Mục đích của giai đoạn ương là tạo bầy tôm giống chất lượng, đồng cỡ, khoẻ mạnh, sức đề kháng tốt, nâng cao tỷ lệ sống. Với mật độ ương đã đề cập trên, bà con ương tôm giống 15 – 20 ngày, sau đó tiến hành san, chuyển sang giai đoạn nuôi mới. Từng giai đoạn ương, nuôi, cần tuân thủ mật độ, phù hợp điều kiện ao, hồ nuôi, môi trường, nguồn nước, thời tiết, khí hậu, khả năng cập nhật kỹ thuật. Mật độ ương, nuôi phù hợp từng giai đoạn, tôm tăng trưởng tối ưu, khoẻ mạnh, đề kháng tốt với dịch bệnh, đồng cỡ.

Yếu tố tiếp theo là chất lượng môi trường ương, nuôi, tôm giống, tôm lứa, tôm thịt. Trong nuôi tôm công nghệ cao, để tôm về size lớn, yếu tố môi trường rất quan trọng. Điều chỉnh thông số môi trường chủ động, thông qua việc san, chuyển ao, thay nước, siphon đáy ao, hồ nuôi, dùng thêm Yucca, Zeo… từng giai đoạn ương, nuôi.

Do thả nuôi mật độ cao, sau 1 tháng nuôi, lượng thức ăn từ tháng thứ 2, 3, sử dụng rất lớn. Lượng phân tôm thải ra môi trường, kết hợp xác vỏ tôm lột, thức ăn dư thừa…nguồn hữu cơ dồi dào này sản sinh CO2 rất nhiều và chiếm nhiều oxy trong ao, gây thiếu oxy nhất vào thời điểm 17g đến 6g sáng. Cùng với thời gian này, tảo chuyển sang giai đoạn hô hấp, lấy oxy trong ao, thải ra CO2. Khi áp suất CO2 trong nước lớn hơn áp suất CO2 trong máu tôm, sẽ kiềm hãm quá trình đào thải CO2 qua mang làm tăng hàm lượng CO2 trong máu, dẫn đến giảm pH máu. Hàm lượng CO2 vượt mức 20 mg/L, dẫn đến sự bài tiết CO2 ở mang tôm bị cản trở, làm giảm pH máu, ảnh hưởng bất lợi đến vận chuyển oxy trong máu, giảm oxy ở mô và gia tăng quá trình hô hấp. Tôm ở thời điểm này, dễ thiếu dưỡng khí, nổi đầu, hồng mang, tổn thương mang, CO2 trong ao tiếp tục tăng, oxy trong nước giảm, có thể gây chết tôm. Điều tiết môi trường ương, nuôi, chủ động theo hướng trên, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, tộm khoẻ, phát triển tốt, giữ được đầu con, hạn chế tối đa hao hụt.


Chú ý đến điều kiện môi trường nước nuôi dù ở bất kỳ giai đoạn nuôi nào. Ảnh: Tepbac.

Nên thay nước mới từ ao sẵn sàng khi có điều kiện là biện pháp đơn giản, nhưng hiệu quả. Lượng nước thay, siphon tuỳ sức khoẻ tôm, trọng lượng tôm, điều kiện thời tiết, giai đoạn nuôi…thay 10 – 50% nước hạn chế tôm bị sốc.

Hỗ trợ thêm Yucca, Zeo, kết hợp biện pháp sử dụng vi sinh được khuyến cáo dùng thường xuyên, suốt vụ nuôi. Chọn vi sinh các giống Bacillus kết hợp Nitrobacter, Nitrosomonas, Lactobacillus, EM, các men như Amylase, Cellulose, Proteace. Vi sinh có thể hoà nước, tạt trực tiếp xuống ao hoặc sục khí tăng sinh khối, rồi tạt hoặc chọn vi sinh yếm khí, tiến hành ủ 5 – 7 ngày, sau đó sử dụng dần.

Yếu tố thứ ba, chúng tôi đề cập đó là chất lượng thức ăn và hàm lượng đạm. Thức ăn có màu nâu sậm, vết cắt thẳng gọn, cỡ viên đồng nhất, có mùi thơm hấp dẫn, kích thích tôm bắt mồi, ăn nhiều, tiêu hoá, hấp thu triệt để thức ăn. Thức ăn tồn tại trong nước lâu, vẫn giữ hình dạng, không tan rã, mùi vẫn thơm. Thức ăn có kích cỡ phù hợp trọng lượng, thời gian nuôi, tuổi tôm.


Chọn cỡ thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm. Ảnh: Tepbac

Hàm lượng đạm đối với tôm thẻ chân trắng, theo công bố của các nhà dinh dưỡng thuỷ sản, ở mức 38%, đã đủ nhu cầu dinh dưỡng. Tuy nhiên, mô hình với mật độ thả nuôi dày ≥ 200 con/m2, thời gian nuôi rút ngắn ≤ 120 ngày, yêu cầu tôm đạt size lớn ≤ 20 – 30 con/kg, hệ số thức ăn FCR khống chế ở mức ≤ 1.2…là thách thức không nhỏ đối với bà con nuôi tôm. Để đạt được thông số trên, tháng nuôi đầu, bà con sử dụng hàm lượng đạm 38 – 40%, sau đó tăng dần hàm lượng đạm 42 – 45%, từ tháng nuôi thứ 2 đến thu hoạch sau cùng. Với phương pháp thúc đạm tăng dần qua các tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng nuôi mật độ dày vẫn phát triển, tăng trưởng tốt, rút size nhanh, đều cỡ, vỏ bóng đẹp, thịt săn chắc, nặng ký. Do sử dụng thức ăn với hàm lượng đạm tăng dần, cần điều tiết lượng ăn hợp lý theo nhu cầu sử dụng của tôm, tránh dư thừa, dễ gây ô nhiễm môi trường.

Yếu tố thứ tư, ngoài sử dụng thức ăn điều chỉnh đạm tăng dần, việc cung cấp dinh dưỡng bổ sung trong quá trình nuôi rất quan trọng. Nên bổ sung chế phẩm sinh học, men tiêu hoá hỗ trợ đường ruột, Beta glucan, chất hỗ trợ gan như Sorbitol, Methionin, Cholin, Inositol, tăng cường đề kháng thông qua bổ xung Premix, chất khoáng, acid hữu cơ…bằng cách trộn chung thức ăn hoặc đánh trực tiếp xuống môi trường.


Dinh dưỡng bổ sung sẽ hộ trợ sức khỏe cho tôm phát triển. Ảnh: Đàng Tấn Phát

Dinh dưỡng bổ sung giúp hỗ trợ, cải thiện hệ khuẩn có ích trong đường ruột tôm, hỗ trợ tiết các enzyme tiêu hoá trong cơ thể như Pepsin, Trypsin dễ dàng tiết ra trong quá trình tiêu hoá thức ăn. Thúc đẩy quá trình tiêu hoá diễn ra nhanh, triệt để. Cải thiện quá trình hấp thu, chuyển hoá thức ăn. Tôm ăn nhiều, tiêu hoá, hấp thu tốt, tăng trưởng nhanh, mau về size lớn trong thời gian ngắn.

Thu tỉa tôm là yếu tố sau cùng, giúp san thưa bầy tôm, tạo điều kiện cho tôm nuôi còn lại trong ao phát triển, tăng trưởng nhanh. Khi tôm trong ao nuôi được 2 tháng, trọng lượng 50 – 55 con/kg, chọn thời điểm tôm khoẻ, ăn mạnh, vỏ cứng, môi trường nuôi ổn định…tiến hành thu tỉa tôm. Trước khi tỉa tôm, ngưng cho tôm ăn 1 cữ gần thời gian tỉa. Sản lượng tôm tỉa căn cứ vào giá tôm thương phẩm ngoài thị trường, mật độ tôm hiện tại trong ao, sức khoẻ tôm, tình trạng môi trường… Sau khi tỉa tôm lần đầu 10 – 15 ngày, có thể tiếp tục tỉa tôm đợt tiếp theo. Tuỳ theo mật độ tôm trong ao, có thể tỉa nhiều đợt. Trong quá trình tỉa tôm, hạn chế kéo lưới nhiều lần. Sau khi tỉa tôm, bà con tiến hành bổ sung vi sinh hỗ trợ đường ruột, vi sinh xử lý nước, nền đáy ao, khoáng, Premix, chống sốc, Yucca. Khi cho tôm ăn lại, cho ăn lượng 50 % so bình thường, với cữ đầu trong ngày, sau đó tăng dần lượng ăn ở các cữ còn lại trong ngày.


Dinh dưỡng bổ sung sẽ hộ trợ sức khỏe cho tôm phát triển. Ảnh: Đàng Tấn Phát

Dinh dưỡng bổ sung giúp hỗ trợ, cải thiện hệ khuẩn có ích trong đường ruột tôm, hỗ trợ tiết các enzyme tiêu hoá trong cơ thể như Pepsin, Trypsin dễ dàng tiết ra trong quá trình tiêu hoá thức ăn. Thúc đẩy quá trình tiêu hoá diễn ra nhanh, triệt để. Cải thiện quá trình hấp thu, chuyển hoá thức ăn. Tôm ăn nhiều, tiêu hoá, hấp thu tốt, tăng trưởng nhanh, mau về size lớn trong thời gian ngắn.

Thu tỉa tôm là yếu tố sau cùng, giúp san thưa bầy tôm, tạo điều kiện cho tôm nuôi còn lại trong ao phát triển, tăng trưởng nhanh. Khi tôm trong ao nuôi được 2 tháng, trọng lượng 50 – 55 con/kg, chọn thời điểm tôm khoẻ, ăn mạnh, vỏ cứng, môi trường nuôi ổn định…tiến hành thu tỉa tôm. Trước khi tỉa tôm, ngưng cho tôm ăn 1 cữ gần thời gian tỉa. Sản lượng tôm tỉa căn cứ vào giá tôm thương phẩm ngoài thị trường, mật độ tôm hiện tại trong ao, sức khoẻ tôm, tình trạng môi trường… Sau khi tỉa tôm lần đầu 10 – 15 ngày, có thể tiếp tục tỉa tôm đợt tiếp theo. Tuỳ theo mật độ tôm trong ao, có thể tỉa nhiều đợt. Trong quá trình tỉa tôm, hạn chế kéo lưới nhiều lần. Sau khi tỉa tôm, bà con tiến hành bổ sung vi sinh hỗ trợ đường ruột, vi sinh xử lý nước, nền đáy ao, khoáng, Premix, chống sốc, Yucca. Khi cho tôm ăn lại, cho ăn lượng 50 % so bình thường, với cữ đầu trong ngày, sau đó tăng dần lượng ăn ở các cữ còn lại trong ngày.

Lý Vĩnh Phước

Tepbac.com