03 phương pháp cho tôm ăn phổ biến nhất hiện nay

Có nhiều câu hỏi được đặt ra khi tại sao tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam lại thấp so với các nước trên thế giới? Câu trả lời đến từ rất nhiều yếu tố khác nhau: môi trường, kỹ thuật nuôi, ứng dụng công nghệ,…

Nhưng hẳn với những người có kinh nghiệm thì đều biết rằng phương pháp cho tôm ăn hiệu quả chính là bước đệm dẫn đến thành công của vụ nuôi.

Thực tế chỉ ra rằng, chi phí thức ăn thường chiếm đến 50% tổng giá thành sản xuất. Vậy nên, tìm ra phương pháp tốt nhất cho tôm ăn sẽ là một trong những điều cần lưu ý nhằm tăng khả năng thu lợi nhuận, cũng như tiết kiệm chi phí cho bà con.

Tùy theo giai đoạn phát triển của tôm, nên cho ăn từ 3-5 lần/ ngày. Muốn đảm bảo tần suất cho ăn liên tục như vậy thì liệu có những cách nào để cho ăn hiệu quả. Hãy cùng chúng tôi điểm qua một số phương pháp phổ biến trong kỹ thuật nuôi tôm hiện nay:

Cho tôm ăn bằng tay


Canh nhá tôm. Ảnh: Tép Bạc

Đây là một phương pháp thủ công, khi trực tiếp dùng tay rải thức ăn xuống ao nuôi để cho tôm ăn.

Với cách này, lợi ích đầu tiên có thể kể đến là tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, có thể chủ động thời gian, trải đều được lượng thức ăn thức ăn, theo dõi được tần suất tôm ăn để phân tán thức ăn cho hợp lý.

Tuy nhiên, với số lượng tôm và ao lớn như vậy thì gây tốn rất nhiều công sức và thời gian của nhà nông.

Sử dụng máy cho tôm ăn tự động

Phương pháp áp dụng công nghệ, linh động thời gian cho tôm ăn trong ngày hơn, vì đều được máy móc thay thế. Chúng được hoạt động theo nguyên lý có chế độ hẹn giờ sẵn, điều chỉnh được lượng thức ăn phân phát. Tùy theo kích cỡ của ao nuôi và mật độ tôm để đặt máy cho phù hợp.


Máy cho tôm ăn tự động được lắp đặt trên ao. Ảnh: Tép bạc

Để điều chỉnh máy cho tôm ăn tự động theo đúng nhu cầu nhất của chúng, cần rải đủ lượng thức ăn cần thiết (tránh gây dư thừa hay thiếu). Tôm sau 25 ngày tuổi thì đã có thể cho ăn bằng máy, tuy nhiên nếu đang ở giai đoạn chuyển đổi thì trong những ngày đầu vẫn cần kết hợp cả 2 cách. Nghĩa là 50% cho ăn bằng tay, 50% còn lại cho ăn bằng máy. Sau đó tăng dần phần trăm cho ăn bằng máy lên giúp cho tôm thích nghi hoàn toàn.

Để tăng hiệu quả hơn nữa, cần phải ghi nhớ và quan sát lượng thức ăn đưa vào máy; lượng sử dụng thức ăn của tôm; tình hình môi trường và thời tiết một cách thường xuyên. Nhờ vậy, mới có thể theo dõi để điều chỉnh tăng/ giảm thức ăn cho phù hợp. Khi những con tôm được đảm bảo dưỡng chất đầy đủ mỗi ngày, phát triển tự nhiên lẫn khỏe mạnh; thì mới giúp bà con thu hoạch thành công và đem lại được nhiều sản lượng.

Cho tôm ăn bằng máy cảm biến âm thanh

Tương tự máy cho tôm ăn tự động, đây cũng là một phương thức dựa trên công nghệ hiện đại. Nhưng, thay vì hẹn giờ thì máy cảm biến âm thanh sẽ dựa trên nhu cầu ăn trong ngày của tôm. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong môi trường để thay đổi theo mức độ thèm ăn của tôm. Từ đó, tín hiệu được phát đến hệ thống phản hồi âm thanh và máy sẽ bắt đầu hoạt động để phân phát thức ăn.

Từ những phương pháp trên có thể đưa đến kết luận rằng, mỗi phương pháp đều có những đặc tính và điểm mạnh riêng của chúng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là câu trả lời cho câu hỏi “Cho tôm ăn bằng phương pháp nào là hiệu quả nhất?”.

Trước hết, cần phải nhìn nhận lại mô hình nuôi trồng, trình độ quản lý và khả năng đầu tư. Với những mô hình nuôi tôm nhỏ, hộ gia đình có thời gian chăm sóc thì có thể vẫn cho tôm ăn theo cách truyền thống được. Còn lại, thì chúng ta vẫn nên cân nhắc ứng dụng công nghệ trong việc nuôi trồng cũng như là cho tôm ăn. Máy móc được phát minh ra là để nâng cao chất lượng tạo thành sản phẩm một cách hiệu quả; giảm thiểu rủi ro và nâng phần trăm thành công cao hơn.

Đi đôi với những tiện ích của công nghệ luôn một cần sự đầu tư chi phí cao trong việc mua máy móc và bảo dưỡng chúng. Đổi lại, nếu biết cách sử dụng và lưu ý, quan tâm đúng cách thì chắc chắn sẽ đạt được năng suất tốt hơn.

Quỳnh Trang

Tép Bạc