Tôm ồ ạt vào nhà máy, doanh nghiệp sản xuất không kịp

Một công ty thủy sản ở miền Tây có trên 200 F0 khiến nhiều nhà máy thiếu lao động vì công nhân không đi làm. Nông dân cũng ồ ạt thu hoạch tôm vì sợ giảm giá.

Hai ngày qua, nông dân các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tôm thẻ. Đây là vùng chuyên canh tôm thẻ lớn nhất Sóc Trăng, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thủy sản ở miền Tây.

Xe tôm xếp hàng trong khu công nghiệp

Anh Lưu Trường Giang, đại diện một doanh nghiệp ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), cho biết khi hay tin công ty thủy sản ở xã Tài Văn có nhiều F0, nông dân ồ ạt thu hoạch tôm thẻ để bán vì sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến giá cả. Hiện giá tôm chỉ giảm nhẹ 1.000-3.000 đồng/kg.

Do nông dân bán tôm nhiều, hai ngày qua có hàng chục xe tải chở tôm vào khu công nghiệp An Nghiệp ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng để giao cho các nhà máy thủy sản. Nhiều tài xế phải đậu xe xếp hàng chờ vài giờ do công ty không kịp nhập hàng, thiếu kho lạnh để dự trữ.

“Ngày 6/10, tôi đưa tôm lên khu công nghiệp An Nghiệp thấy có khoảng 100 xe tải đậu ở nhiều tuyến đường để chờ giao tôm cho nhà máy. Với lượng xe này thì có khoảng 300 tấn tôm từ các huyện chở lên”, anh Giang chia sẻ.

Trong những xe tải đậu xếp hàng trong khu công nghiệp An Nghiệp, có nhiều phương tiện chờ giao tôm cho các nhà máy chế biến thủy sản. Ảnh: Trường Giang.

Trao đổi với Zing, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết sau khi các tỉnh nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp thu hút khoảng 2.500 công nhân, mỗi ngày tiêu thụ 100-120 tấn tôm nguyên liệu. Do ảnh hưởng dịch bệnh và lễ Đôn Ta của đồng bào Khmer, có khoảng 1.000 công nhân không đến xưởng làm việc. Thiếu công nhân nhưng tôm đã mua với số lượng lớn nên công ty sản xuất không kịp.

“Chúng tôi hy vọng qua lễ Đôn Ta, công nhân vào làm trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp đánh giá mức độ rủi ro cao vì có nhiều ca bệnh trong cộng đồng và làn sóng người dân về quê quá nhiều. Sợ lây lan dịch bệnh nên chúng tôi tăng cường xét nghiệm RT-PCR, tốn rất nhiều chi phí”, lãnh đạo Thủy sản sạch Việt Nam chia sẻ.

Theo ông Võ Văn Phục, theo quy định của CDC Sóc Trăng, 7 ngày doanh nghiệp xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên 20% công nhân. Tuy nhiên, công ty ông cho xét nghiệm 20% công nhân mỗi ngày bằng phương pháp RT-PCR.

“Chúng tôi xét nghiệm kỹ để lỡ có F0 cũng không trở thành ổ dịch, không để ảnh hưởng đến xã hội và khôi phục sản xuất sớm. Giá tôm lúc mới vào lễ Đôn Ta có đứng lại, nhưng hôm nay đã tăng. Lượng tôm của nông dân không còn nhiều, dự kiến giá tôm tăng thêm vào thời điểm cuối vụ”, ông Phục chia sẻ.

Vận động công nhân đi làm

Theo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, ngày 7/10, đơn vị phát hiện thêm 22 F0 liên quan đến chuỗi lây bệnh tại Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Út Xi ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Hai ngày trước, CDC Sóc Trăng sàng lọc trong cộng đồng 231 F0 liên quan đến công ty này.

Theo lãnh đạo Công ty Út Xi, các F0 thuộc nhóm làm công nhật, được doanh nghiệp test nhanh định kỳ 7 ngày một lần. Trước khi được phát hiện nhiễm nCoV, các F0 này sức khỏe bình thường, không sốt nên công ty không phát hiện khi đo thân nhiệt vào buổi sáng mỗi ngày.

Hiện, Công ty Út Xi tạm dừng hoạt động để CDC Sóc Trăng xét nghiệm tất cả công nhân. Trong đó, nhóm làm việc 3 tại chỗ đều âm tính nCoV.

Thu hoạch tôm thẻ tại huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Trường Giang.

Trước tình hình dịch bệnh và làn sóng người dân về quê, chuỗi doanh nghiệp trực thuộc Công ty TNHH Kim Anh ở Sóc Trăng đã giảm 30% lượng công nhân thời vụ. Trong đó, lượng công nhân thiếu hụt tập trung tại 2 nhà máy ở phường 7, TP Sóc Trăng và trong khu công nghiệp An Nghiệp của huyện Châu Thành.

Theo đại diện Công ty TNHH Kim Anh, do lo sợ dịch bệnh, nhiều gia đình không cho người thân đi làm công nhân thủy sản. Vì vậy, doanh nghiệp cử người động viên công nhân, giải thích cho họ biết những cung đường và địa phương an toàn.

Tương tự, Công ty TNHH Khánh Sủng (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) và Công ty TNHH Trang Khanh (Bạc Liêu) cũng đang thiếu hụt công nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19 và làn sóng dòng người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê. Công ty Trang Khanh hiện có khoảng 60-70% công nhân; công nhân Khánh Sủng từ 90% giảm xuống hơn 60% nên doanh nghiệp mua tôm ít lại.

“Nhiều gia đình không cho con em đi làm công nhân vì sợ lây bệnh. Bà con nói rằng lỡ công nhân nhiễm bệnh về nhà lây cho người thân nên không đi làm”, ông Trang Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Trang Khanh nói.

Các doanh nghiệp thủy sản nhận định giá tôm thẻ sẽ còn tăng thêm 5-10%. Ảnh: Trường Giang.

Theo ông Trang Khanh, công nhân giảm 30% so với thời điểm chưa có dịch Covid-19 nên mỗi ngày doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 50-60% tấn tôm. Trong đó, có khoảng 10% tôm sú.

“Do tôm sú không nhiều, giá chỉ tăng khoảng 3-5% so với thời điểm cao điểm của dịch bệnh. Tôm sú loại 20 con một kg giá 220.000 đồng/kg, 30 con 190.000 đồng và 40 con 170.000/kg”, ông Trang Khanh thông tin.

Trao đổi với Zing, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Trong cho biết do có nhiều F0 được ngành y tế phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, đơn vị khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”. Sau một thời gian công nhân vào khu công nghiệp An Nghiệp đạt gần 90%, vài ngày nay lượng công nhân giảm còn khoảng 60%.

“Ngoài dịch bệnh tại Công ty Út Xi, lễ Đôn Ta và dòng người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về khiến chúng tôi rất lo. Tỉnh đang cố gắng chờ vaccine về nhiều để tiêm cho công nhân được đầy đủ”, ông Trong chia sẻ.

Trong khi đó, anh Lưu Trường Giang cho rằng việc nhân công kéo tôm không nằm trong danh sách ưu tiên được tiêm vaccine làm trở ngại cho việc thu mua trực tiếp cho nông dân. “Doanh nghiệp thu mua thủy sản đang đề nghị các cấp chính quyền xem xét sớm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng này”, anh Lưu Trường Giang nói.

Nguồn tin: Zingnews