Khuyến cáo một số biện pháp quản lý trong nuôi tôm nước lợ và sò huyết

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: Qua khảo sát nắm thông tin thực tế các tổ chức, cá nhân tại những vùng nuôi tôm nước lợ tập trung trên địa bàn tỉnh, một số hộ nuôi tôm có tâm lý lo lắng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều hộ nuôi sò huyết nôn nóng thu hoạch trong khi sò chưa đạt cỡ lớn.

Người nuôi tôm nước lợ không vội thu hoạch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Nhằm ổn định hoạt động sản xuất tôm nước lợ và sò huyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh Covid-19, Sở NN&PTNT khuyến cáo người nuôi thực hiện một số biện pháp quản lý. Đối với nuôi tôm nước lợ, các ao tôm nước lợ đang nuôi đạt cỡ tôm thương phẩm (100 đến 60 con/kg), môi trường ao, sức khoẻ tôm nuôi tốt còn khả năng nuôi về cỡ lớn (40 đến 20 con/kg) thì không vội thu hoạch. Giai đoạn này cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng như: Men tiêu hóa, vitamin C, các loại khoáng vi lượng, đa lượng…). Tuyệt đối không cho tôm ăn thừa thức ăn và tăng cường phòng bệnh gan tụy, bệnh đường ruột định kỳ trong suốt quá trình nuôi. Nếu có điều kiện nên san thưa để kéo dài thời gian nuôi và nâng kích cỡ tôm lớn sẽ có giá bán tốt hơn.

Đối với các ao đang chuẩn bị thả giống tôm nước lợ để nuôi, người nuôi cần chuẩn bị thật kỹ môi trường nước, khi đạt yêu cầu mới tiến hành thả giống (độ mặn >10%o, độ kiềm >80mg/l, pH: 8.0-8.5).

Trong giai đoạn này, người nuôi tôm nước lợ nên ương giống từ 20 đến 25 ngày thả ra nuôi (nếu có ao ương), hoặc thả giống rải vụ (nếu có nhiều ao nuôi). Mật độ thả nuôi đối với tôm thẻ chân trắng trung bình 50 con/m2, tôm sú 15 đến 20 con/m2. Người nuôi tôm nước lợ chuẩn bị đầy đủ các vật tư đầu vào như: Thức ăn, thức ăn bổ sung, nhiên vật liệu… để chủ động trong sản xuất.

Đối với sò huyết, các bãi sò huyết nuôi đạt kích cỡ thương phẩm trung bình 100 con/kg, môi trường bãi nuôi, sức khoẻ sò huyết nuôi tốt thì người nuôi không cần vội thu hoạch, tiếp tục nuôi về cỡ lớn hơn (70 đến 50 con/kg) và theo dõi chặt chẽ sức khoẻ, môi trường bãi nuôi sò. Sò đạt cỡ lớn mà bãi nuôi có độ mặn xuống thấp thì thu hoạch bán không chờ giá.

Các bãi sò huyết chưa đạt cỡ thương phẩm >110con/kg, môi trường nuôi không phù hợp (độ mặn <5%o) thì cần di dời đến bãi nuôi nơi có môi trường phù hợp (độ mặn >5%o) để sò huyết sinh trưởng và phát triển, kéo dài thời gian nuôi để đạt kích cỡ lớn nhằm dễ bán hơn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch bệnh do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện định kỳ; theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý tốt khi dịch bệnh xảy ra, tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý.

Khi tôm, sò huyết nuôi đạt kích cở thương phẩm trong quá trình tiêu thụ gặp khó khăn đề nghị người nuôi tôm, sò liên hệ cán bộ các xã hoặc cán bộ phòng NN&PTNT các huyện để được hỗ trợ.

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi