Hiệu quả từ nuôi tôm công nghệ cao

Đổi mới phương thức nuôi tôm từ truyền thống sang công nghệ cao được nhiều hộ nuôi tôm và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn, nhằm mang lại hiệu quả cao về kinh tế.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của hộ anh Phạm Quốc Huy (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ.

Vụ tôm năm nay, gia đình anh Phạm Quốc Huy (thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) thu gần 1 tỷ đồng cho 2,2ha tôm thẻ chân trắng. Việc chủ động tiếp cận công nghệ, áp dụng KHKT, kết hợp với kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm đã mang lại vụ mùa bội thu cho gia đình. Anh Huy cho biết: Phương pháp nuôi tôm truyền thống trước đây có hạn chế đó là tôm dễ bị dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn nước, chất thải từ thức ăn, nhiệt độ, môi trường; thời gian quay vòng ngắn khiến cho năng suất không cao. Từ năm 2020, gia đình tôi chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ 3, 4 giai đoạn ở bể tròn, đồng thời lắp đặt hệ thống nhà lưới và thiết bị tự động kiểm soát môi trường, không khí, nhiệt độ ở các ao nuôi. Nhờ đó, những vụ tôm gần đây rất hiệu quả, tôm sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, trọng lượng lớn, sản lượng gấp 3-4 lần so với trước.

Tại Quảng Ninh, các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn… đang được áp dụng rộng rãi. Điển hình là những mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Tiên Yên… cho sản lượng trung bình 8-10 tấn/ha/vụ, cá biệt có những mô hình đạt 20-25 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, đã có một số cơ sở áp dụng nuôi tôm trong nhà màng, nhà kính, hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn ứng dụng thiết bị ương di động tại hộ dân xã Đông Hải (Tiên Yên).

Để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng công nghệ, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà, do Tập đoàn Việt – Úc làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 170ha, bao gồm: Khu sản xuất tôm giống, khu sản xuất tôm bố mẹ, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, khu trình diễn các quy trình nuôi, khu thu hút và lan tỏa các công nghệ cao trong ngành tôm và thủy sản.

Từ năm 2019, Tập đoàn Việt – Úc hoàn thiện giai đoạn I của dự án, gồm khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con giống/năm; khu nhà sản xuất tảo, Artemia và phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế để đưa vào vận hành phục vụ cho việc sản xuất giống tại Quảng Ninh. Từ đầu năm 2021 đến nay, Tập đoàn cung cấp trên 700 triệu con giống cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Dự kiến đến hết năm, các trại giống của Tập đoàn sẽ sản xuất 1 tỷ con giống.


Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Khu phức hợp sản xuất giống và nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt – Úc (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà). Ảnh: Hữu Việt

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 5.700ha nuôi tôm với sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 5.470 tấn, chiếm 16,6% tổng sản lượng thủy sản nuôi. Xác định nuôi tôm là ngành hàng kinh tế quan trọng, có vai trò lớn trong tạo việc làm cho người dân, góp phần ổn định KT-XH, tỉnh đã áp dụng nhiều mô hình, dự án thử nghiệm thành công vào sản xuất đạt hiệu quả.

Hiện tỉnh cũng khuyến khích người dân chuyển đổi nuôi tôm thâm canh theo hướng công nghệ cao nhiều giai đoạn. Đồng thời, ngành chức năng đang có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi khi chuyển đổi sang nuôi theo hướng công nghệ cao; trong đó, tập trung giải quyết về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, liên kết các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật trong chăn nuôi… nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, phát triển bền vững.

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh