Để vụ tôm nuôi nước lợ thành công cần kết hợp nhiều yếu tố

Diện tích thả nuôi tôm 53.000ha, sản lượng cả năm 2021 ước đạt trên 189.700 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 990 triệu USD… Đây là kết quả nuôi tôm thành công rực rỡ trong mùa vụ vừa qua, đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng.

Để mùa vụ nuôi tôm nước lợ thành công và nhất là giảm tỷ lệ tôm nuôi nước lợ thiệt hại khoảng 6% trong năm 2021 thì ngoài việc áp dụng đúng khung lịch thời vụ do ngành nông nghiệp khuyến cáo, hộ nuôi tôm còn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi, cùng với đó là chuyển đổi nuôi tôm bằng phương thức truyền thống sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Nhằm tìm hiểu về “cách thức” nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng tại hộ nuôi, kể cả hợp tác xã (HTX) thủy sản, chúng tôi đến tham quan khu vực nuôi tôm của HTX Nông ngư 14/10, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).

Thành công của mùa vụ nuôi tôm cần nhiều yếu tố về thời tiết, nguồn nước, con giống… Ảnh: THÚY LIỄU

Phấn khởi đưa chúng tôi tham quan diện tích nuôi tôm bằng ao lót bạt của các thành viên HTX, trong mùa vụ tôm nuôi mới năm 2022, ông Ngô Công Luận – Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 chia sẻ: “Trong vụ nuôi tôm 2021, HTX thu về tổng sản lượng tôm nuôi là 160 tấn/34ha của 24 thành viên và toàn bộ sản lượng tôm được công ty thủy sản tại Sóc Trăng bao tiêu đầu ra nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, mặc dù giá có giảm so cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng lợi nhuận của thành viên vẫn đảm bảo sau vụ nuôi, nhất là với thành viên nuôi tôm bằng ao lót bạt. Theo tôi, để có vụ nuôi tôm thắng lợi, thì đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ khung lịch mùa vụ và phải bình tĩnh quan sát tình hình thời tiết tại địa phương mới quyết định việc thả nuôi tôm nhưng đảm bảo nằm trong khung lịch mùa vụ”.

Theo ông Luận, người nuôi cần điều chỉnh độ pH ổn định trong ao mới thả giống, đặc biệt con giống cũng là yếu tố quan trọng, góp phần cho thành công vụ nuôi nên cần phải lựa chọn mua con giống tại các cơ sở, công ty, doanh nghiệp có uy tín. Đồng thời, việc chuyển đổi mô hình nuôi tôm từ ao đất sang ao bạt sẽ giúp sản lượng tôm nuôi tăng đáng kể, bởi nuôi ao bạt quản lý tôm trong ao được tốt hơn, hạn chế dịch bệnh, nước trong ao được thay thường xuyên, loại bỏ bớt những chất thải độc trong ao, giúp tôm tăng trưởng tốt…

Cũng là hộ gắn bó lâu đời với con tôm nuôi nước lợ, ông Trang Hoàng Thành, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thông tin: “Tôi có diện tích nuôi tôm hơn 5ha. Diện tích nuôi trên được chuyển nuôi từ ao đất sang ao bạt đã 4 năm qua và tôm thả nuôi 2 vụ/năm. Trong năm qua, tôi thu hoạch hơn 50 tấn. Tôi nhận thấy trong nhiều năm nuôi tôm, để có vụ tôm đạt kết quả tốt thì việc lấy nước vào ao trước khi thả giống tôm rất quan trọng nên người nuôi cần hết sức lưu ý đến việc “nuôi nước” trước khi nuôi tôm. Bên cạnh đó, con giống chất lượng tốt cũng rất quan trọng, người nuôi cần mua giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ao nuôi và chuyển đổi hình thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ cao, sẽ góp phần tăng số đợt thả nuôi và sản lượng tôm nuôi trong mùa vụ…”.

Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng, thành công của mùa vụ nuôi tôm nước lợ của tỉnh trong năm 2021 là niềm vui chung của người nuôi tôm và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, bởi thông qua vụ nuôi tôm thắng lợi, tăng thu nhập cho người dân cũng như góp phần cung cấp nguồn nguyên liệu cho các công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản tốt hơn. Đứng về góc độ ngành nông nghiệp, để vụ tôm nuôi nước lợ năm 2022 tiếp tục thành công hơn nữa, đơn vị sẽ đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm có hiệu quả (mô hình nuôi tôm áp dụng quy trình tuần hoàn khép kín, nuôi tôm có hố xi-phông, nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn…); thực hiện công tác quan trắc môi trường, cảnh báo môi trường, dịch bệnh, triển khai các chương trình giám sát chủ động và bị động đối với dịch bệnh trên tôm giống, tại các vùng nuôi và các kênh cấp đầu nguồn thông báo kịp thời đến hộ nuôi, tổ hợp tác, HTX nuôi tôm để người nuôi tổ chức chủ động phòng bệnh, chủ động sản xuất, giảm tỷ lệ thiệt hại trước diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu; đặc biệt ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quan trắc cảnh báo môi trường…

THÚY LIỄU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng