Cần xử lý nghiêm hành vi vận chuyển tôm chứa tạp chất

Bơm tạp chất vào tôm là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã ban hành nhiều chỉ thị nghiêm cấm hành vi bơm chích tạp chất vào tôm, thậm chí, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng này thì người đứng đầu còn phải chịu trách nhiệm.

Tôm chứa tạp chất bị phát hiện khi đang vận chuyển tiêu thụ trên địa bàn TX. Giá Rai. Ảnh: K.K

Mặc dù luật quy định khá nghiêm, thế nhưng tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn diễn ra. Trong tháng 1/2022, lực lượng Công an đã kiểm tra phát hiện 2 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Trường hợp thứ nhất là xe tải mang biển kiểm soát 94C-058.76, do tài xế Trần Văn Minh (ấp Nhàn Dân A, xã Tân Phong, TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) vận chuyển 28 thùng xốp chứa hơn 1,1 tấn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất là Agar và CMC đưa đi tiêu thụ, bị cơ quan chức năng bắt giữ đoạn qua địa phận xã Tân Thạnh (TX. Giá Rai) và trường hợp thứ 2 là xe tải mang biển kiểm soát 69C-047.43, do tài xế Hồ Đắc Hoàng Nam (tỉnh Cà Mau) vận chuyển 93 thùng xốp chứa hơn 2,3 tấn tôm chứa tạp chất Agar và CMC đưa đi tiêu thụ, bị bắt giữ tại khu vực Phường 1 (TX. Giá Rai).

Đã qua, lực lượng chức năng thường xuyên mở các đợt ra quân kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh thủy sản ký cam kết, tuyên truyền vận động, tăng cường xử lý vi phạm nhưng các vi phạm dạng này vẫn chưa dừng giảm. Nguyên nhân phải chăng là do mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa tương xứng?! Cá nhân, tổ chức có hành vi liên quan đến bơm tạp chất vào tôm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Chế tài xử phạt hành chính phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản hoặc sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến thực phẩm. Phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đưa tạp chất vào thủy sản; sơ chế, chế biến thủy sản có chứa tạp chất do được đưa vào hoặc thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo quản thủy sản có tạp chất do được đưa vào để sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là chất, hóa chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người có hành vi bơm tạp chất vào tôm có thể bị truy tố về “Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017. Mức án tù thấp nhất từ 1 – 5 năm, cao nhất đến 20 năm tù; mức phạt tiền cao nhất đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, các đối tượng vi phạm vẫn chưa được xử lý nghiêm. Đơn cử như phạt tiền ở mức mút khung 70 triệu đồng cho hành vi vận chuyển; có thể nghiên cứu thêm tạm giữ thời gian dài hoặc tịch thu phương tiện vi phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự… Nếu tăng các chế tài xử phạt, tin chắc rằng, không lái xe hay chủ xe nào dám lén lút chở tôm chứa tạp chất như hiện nay.

Kim Kim

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu