Cấp mã số cơ sở nuôi tôm: Cần đẩy nhanh hơn nữa để tạo đà tăng tốc

[Người Nuôi Tôm] – Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt với thực phẩm là vấn đề hết sức nóng hiện nay. Yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc và ngành tôm không phải là ngoại lệ. Trong khi đó, việc cấp mã số cơ sở nuôi tôm để phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc của ngành hàng tôm vẫn đang ở con số rất khiêm tốn…

Việc cấp mã số vùng nuôi tôm giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm, phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường quốc tế

 

Cấp mã số cơ sở nuôi tôm mới đạt 1,38%

Việc yêu cầu có mã số cơ sở nuôi tôm không chỉ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu, mà còn giúp các nhà quản lý có thêm thông tin để chỉ đạo sản xuất. Căn cứ số liệu qua việc cấp mã số, chúng ta biết được số diện tích, sản lượng dự kiến sản xuất trong năm để có những giải pháp chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp. Cấp mã số vùng giúp dễ dàng truy xuất được lô sản phẩm đó của ai, ở đâu, sản phẩm gặp vấn đề ở khâu nào (sản xuất, vận chuyển hay sơ chế, chế biến).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết ngày 30/11/2021, chúng ta mới chỉ thực hiện cấp mã số cơ sở nuôi tôm nước lợ được cho 6.600/479.824 cơ sở, đạt 1,38% kế hoạch, đây là một tỷ lệ còn rất khiêm tốn so với yêu cầu hiện nay. Trong đó Sóc Trăng, một trong những tỉnh trọng điểm ngành tôm là tỉnh dẫn đầu cả nước về số cơ sở nuôi hoàn thành việc đăng ký cấp mã số, đạt 35.000/39.900 cơ sở. Tiếp đó là Cà Mau với 635.000/160.073 cơ sở nuôi được cấp và Nam Định với 442/2.019 cơ sở nuôi đã được cấp mã số. Nhiều chuyên gia bày tỏ, không thể không lo lắng, sốt ruột khi ngày càng nhiều thị trường đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, trong khi tỷ lệ diện tích tôm nuôi ở Việt Nam được cấp mã số còn rất khiêm tốn.

Khánh Hòa là một trong những tỉnh miền Trung phát triển mạnh nghề nuôi tôm nước lợ. Hiện toàn tỉnh có 1515,9 ha diện tích thả nuôi tôm, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 1268,1 ha, tôm sú chiếm 247,8 ha. Tính đến nay, Khánh Hòa đã tiến hành cấp mã số cơ sở nuôi tôm cho 62 hộ, trang trại nuôi. Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Với nhóm đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, Luật Thủy sản đã có yêu cầu chủ cơ sở phải đăng ký để được cấp giấy xác nhận và cấp mã số cơ sở nuôi. Đây là vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như về truy xuất nguồn gốc trong quá trình xuất khẩu sản phẩm tôm nuôi”.

 

Còn vướng mắc ở đâu?

Trên thực tế, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã nêu rất rõ vai trò của địa phương về công tác cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Nhưng với số liệu trên của Tổng cục Thủy sản cho thấy, công tác triển khai này vẫn đang tiến hành rất chậm.

Nguồn ảnh: Báo Khánh Hòa

 

Nguyên nhân được Tổng cục Thủy sản xác định do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân chưa được quan tâm thực hiện. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, đồng thời, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Một số địa phương có cơ sở nuôi ở địa bàn xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số nên khó khăn khi thực hiện.

Chia sẻ về nguyên nhân chậm tiến độ cấp mã số vùng nuôi cho các cơ sở nuôi tôm, ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết thêm: “Một trong những nguyên nhân khiến việc cấp mã số vùng nuôi trên con tôm còn chậm là do quy mô các hộ nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số. Nhiều cơ sở nuôi tôm không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Hợp đồng giao, cho thuê đất/mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hoặc do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ, hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây hàng năm, đất ven sông,… nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Vì vậy người dân gặp khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản”.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thủy sản nhiều cơ sở nuôi đã dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp cho ngân hàng vay vốn sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản (không lấy được sổ ra để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng).

 

Tháo gỡ khó khăn, tạo đà tăng tốc

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến từng chia sẻ: Riêng về truy xuất nguồn gốc của ao nuôi tôm đang chịu ảnh hưởng của Luật Đất đai, do đó cần có những kiến nghị để sửa lại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, đây không chỉ là việc của riêng Bộ NN&PTNT mà còn là của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ NN&PTNT sẽ chủ động mời Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng bàn để phổ biến tới các địa phương tháo gỡ khó khăn, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho ngành tôm, từ đó, đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của thị trường.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai cấp mã số cơ sở nuôi tôm, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: “Với tinh thần giảm tối đa những điều kiện để các hộ nuôi có thể đăng ký và được cấp mã số vùng nuôi. Cần thực hiện song song các nhiệm vụ, vừa điều chỉnh lại quy định của pháp luật, bên cạnh đó đôn đốc chính quyền các địa phương vào cuộc cùng các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn cấp huyện, xã giúp cho bà con hoàn thiện việc đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi”.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, cần tích cực phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm xuất khẩu thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản, các văn bản quy định chi tiết và đáp ứng yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Với các doanh nghiệp và người nuôi tôm, cần thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định tại Luật Thủy sản.

Song song với đó, chính người nuôi tôm cũng cần phải nhận thức rõ lợi ích và tầm quan trọng và cấp thiết của việc đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi. Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho công tác xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm tôm, từ đó khẳng định thương hiệu cho ngành hàng tôm của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phạm Huệ

Hậu quả nào có thể xảy ra nếu không đáp ứng yêu cầu về mã số ao nuôi?

Tỷ lệ ao nuôi tôm ở nước ta được cấp mã số còn quá ít. Doanh nghiệp lo ngại, nếu bị phát hiện khai báo sai nguồn gốc, thì hậu quả vô cùng lớn với ngành tôm.

Từ góc độ doanh nghiệp chế biến, việc ổn định nguồn nguyên liệu tôm để sản xuất được cho là thách thức lớn nhất. Các doanh nghiệp chỉ tự chủ được khoảng 40% nguồn nguyên liệu tự sản xuất và quản lý. Phần còn lại phụ thuộc vào nhiều nguồn như nhập khẩu hay thu mua từ các nông hộ nhỏ lẻ. Việc nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và Ecuador để phục vụ xuất khẩu cũng manh nha xuất hiện.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành tôm xuất khẩu cả nước nếu không kiểm soát chất lượng và khai báo xuất xứ nguyên liệu rõ ràng. Có thể dễ dàng nhận thấy, rủi ro về khai báo nguồn gốc từng lô tôm xuất khẩu hiện nay là không nhỏ. Các doanh nghiệp có tổ chức vùng nuôi riêng thì an tâm hơn, còn doanh nghiệp nào không tổ chức vùng nuôi riêng thì rủi ro có thể đến bất kỳ lúc nào.

Tin mới nhất

T6,22/11/2024