Xuất khẩu tôm Việt Nam 2022: “Nhắm” đích 4 tỷ USD

[Người Nuôi Tôm] – Vượt qua nhiều thách thức từ đại dịch Covid-19, ngành tôm Việt Nam đã bứt phá về đích 2021 với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,9 tỷ USD. Sau một năm 2021 tăng trưởng phi thường, năm 2022 được dự báo tiếp tục là một năm khởi sắc của tôm Việt

Tôm Việt Nam có chất lượng ổn định, sản phẩm đa dạng, phù hợp với mọi phân khúc thị trường nhập khẩu

 

Năm 2022 xuất khẩu tôm sẽ tăng 10%

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm nay sẽ cán đích ở mức gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và dự báo năm 2022 sẽ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD.

Bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội VASEP cho biết, tôm Việt Nam có thế mạnh về thị phần và lợi thế về chất lượng so với các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, tại những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Australia, dù có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu của Việt Nam luôn có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến các sản phẩm chế biến đa dạng, phù hợp với mọi phân khúc thị trường.

Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 28%. Hay như khối thị trường CPTPP có xu hướng phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2021, tính tới tháng 11 ước đạt hơn 905 triệu USD, chiếm 25%.

Năm 2022, thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng mạnh do nhu cầu của Mỹ. Trong khi Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19. Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường này ngày càng cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam có nhiều lợi thế sau khi Hiệp định CPTPP được thực thi. Trong năm nay, trong số top 4 thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất trong khối, xuất khẩu tôm thì Nhật Bản phục hồi chậm, trong khi các thị trường Canada, Australia, Singapore có xu hướng phục hồi tốt.

Các thị trường Canada, Australia, Singapore được coi là những khu vực kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại đây không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo chuyên gia phân tích ngành thủy sản Gorjan Nikolik (Rabobank), sau năm 2021 tăng trưởng phi thường, dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm khởi sắc của nhiều nước sản xuất tôm, với dự báo sản lượng tăng nhờ thâm canh và sử dụng con giống tốt hơn.

Gorjan Nikolik cho rằng, mức tăng trưởng so với 12 tháng liền trước có thể đạt 10% và đưa sản lượng tôm tại nhiều nước quay trở lại mức trước đại dịch. Đồng thời sản lượng tôm năm 2022 cũng sẽ tăng trưởng mạnh, với nhiều nhà sản xuất lớn nhất có thể đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh nhờ thâm canh sản xuất.

Mức tăng trưởng nguồn cung tôm năm 2022 sẽ cao hơn nhiều. Giá tôm đang hấp dẫn, khuyến khích nông dân tăng nuôi và hiện không có rào cản lớn nào đối với nguồn cung. Ấn Độ có thể tăng sản xuất, Indonesia đặt mục tiêu tăng trưởng 250% trong những năm tới, trong khi Ecuador có thể tiếp tục tăng thâm canh.

Ông Gorjan Nikolik giải thích: “Nguồn con giống tốt hơn cũng đang phổ biến trên thị trường, có thể giúp giảm tỷ lệ chết. Phần lớn vật nuôi có tỷ lệ chết khoảng 1%/tháng. Nhưng với tôm, tỷ lệ chết lên tới khoảng 15 – 20% đối với tôm có chu kỳ nuôi 120 ngày và nguồn giống tốt có thể giúp giảm tỷ lệ này xuống còn 10%”.

Từ các yếu tố trên, ông Nikolik dự báo tăng trưởng mạnh sẽ diễn ra tại phần lớn các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới, đặc biệt là Ecuador, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.

 

Tận dụng lợi thế từ FTA

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu. Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu tôm.

Để khai thác tốt cơ hội về thị trường, năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Để tận dụng tốt các FTA, bên cạnh những giải pháp từ các ngành chức năng, bản thân các doanh nghiệp cần tìm hiểu để nắm được yêu cầu tiêu chuẩn và quy chuẩn của từng thị trường.   Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn.

Ngoài những cơ hội mở ra với ngành tôm Việt Nam 2022, thì một số tỉnh, thành trọng điểm nuôi tôm cũng đã chỉ ra những khó khăn tồn tại như: giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao so với các nước trong khu vực; giá thức ăn nuôi tôm chiếm tới 65% giá thành sản xuất, do đó sản lượng thủy sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tín dụng ngân hàng chưa thực sự mạnh dạn cho người nông dân vay vốn để sản xuất.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng cho rằng để giải quyết một phần bài toán này, Bộ NNPTNT phối hợp với các ngành để làm kênh giống mới cho người nuôi tôm để giảm giá thành.

Để ngành tôm Việt Nam tận dụng và khai thác tốt cơ hội về thị trường trong năm 2022, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, các thị trường đang kiểm soát rất chặt chẽ đối với tôm Việt Nam và chúng ta thường xuyên phải cập nhật các yêu cầu của phía nhập khẩu.

Đồng thời, ông Huy cũng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo việc kiểm soát vật tư và nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu để tránh việc dịch bệnh lây lan đối với tôm nuôi trong nước. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển các ứng dụng để nông dân cũng như doanh nghiệp truy cập nắm rõ yêu cầu của các thị trường.

Nhận định về ngành tôm 2022 Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết, xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung trong năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.

Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài, nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm.

Một thị trường khác là Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới, đây cũng là một khó khăn thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu.

                                                                                                           Bình Minh

Theo kế hoạch sản xuất thủy sản năm 2022 của Tổng cục Thủy sản, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con (trong đó: tôm thẻ chân trắng 200.000-210.000, tôm sú 60.000 con); tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (trong đó: tôm thẻ chân trắng 100 – 110 tỷ con và tôm sú 30 – 40 tỷ con).

Diện tích nuôi tôm đạt 740.000-745.000 ha (tôm sú 630.000 ha, tôm thẻ 115.000 ha); sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 650 nghìn tấn, còn lại là tôm khác.

 

Tin mới nhất

T6,19/04/2024