Xuất khẩu tôm sẽ ‘cán đích’ với 3,9 tỷ USD

Với những diễn biến khả quan ở các thị trường nhập khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021…

Xuất khẩu tôm nỗ lực vượt khó khăn.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang có những diễn biến tích cực, song tình trạng tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm và các vi phạm liên quan đến chỉ tiêu hóa chất kháng sinh bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo đã được các đại biểu phản ánh tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và năm 2022” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 10/12/2021.

XUẤT KHẨU TÔM NĂM 2021 SẼ ĐẠT 3,9 TỶ USD

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích tôm nước lợ thả nuôi trong 11 tháng của năm 2021 ước đạt 740.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú 630.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 110.000 ha. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi 11 tháng đạt 902.700 tấn (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó, tôm sú 255.200 tấn, tôm thẻ chân trắng 597.500 tấn và tôm khác.

Lãnh đạo nhiều Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển Nam Bộ phản ánh, trong thời gian qua dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 11 đạt 367 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá các loại vật tư đầu (thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường…) tăng mạnh, do đó sản lượng thủy sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm. Trong khi đó, thương lái giảm mua tôm hoặc mua với giá thấp…

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết giá trị xuất khẩu tôm có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10 và tháng 11 sau khi sụt giảm đáng kể trong quý 3.

Trong 11 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 983,5 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Xuất khẩu tôm sang Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi nhu cầu của Mỹ tăng và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19.

Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi Ấn Độ, bởi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11 vừa qua.


Cũng diễn biến tích cực như thị trường Mỹ, 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm sang EU đạt 458 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi thế từ EVFTA cùng nhu cầu tiêu dùng trong khối EU với sản phẩm tôm chế biến tăng, đã tạo lực đẩy cho xuất khẩu tôm.

“Ngành hàng tôm Việt Nam có thể mạnh về thị phần và lợi thế về chất lượng so với các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu có Việt Nam có nhiều nước cạnh tranh nhất là tại những thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… tôm Việt Nam có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến chế biến giá trị gia tăng có sản phẩm rất đa dạng phù hợp với mọi phân khúc thị trường cho các thị trường nhập khẩu”, bà Lê Hằng nhận định.

VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 nhờ những diễn biến khả quan ở các thị trường nhập khẩu.

53 LÔ HÀNG TÔM BỊ CẢNH BÁO

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết các thị trường chính nhập khẩu tôm của Việt Nam là: Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện có 416 cơ sở chế biến tôm được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2021), có 53 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo. Riêng tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô; dịch bệnh 13 lô; ghi nhãn 1 lô; cảnh báo về các chỉ tiêu phosphate 25 lô; vi sinh 5 lô; kim loại nặng 1 lô.

Đối với thị trường Trung Quốc, gần đây đã đưa ra cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam bị phát hiện dương tính với một số vi sinh vật gây bệnh.

Tại thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm (màu sắc, mùi vị…).

Để giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện lấy 1.620 mẫu nuôi tôm (thẻ, sú) tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Theo đó, phát hiện 10 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh: Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Enrofloxacin.

“Xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao”.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản.

Liên quan về các giải pháp kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, các thị trường kiểm soát rất chặt chẽ đối với tôm Việt Nam, vì vậy chúng ta thường xuyên phải cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo việc kiểm soát vật tư và nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu để tránh việc dịch bệnh lây lan đối với tôm nuôi trong nước. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển các ứng dụng để nông dân cũng như doanh nghiệp truy cập nắm rõ yêu cầu của các thị trường”, ông Võ Quang Huy khuyến nghị.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội để nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.

“Chúng ta đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu”, Thứ trưởng nêu rõ.

Tác giả: Chu Khôi

Nguồn tin: VnEconomy