Xuất khẩu thủy sản tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm 2021

[Người Nuôi Tôm] – Theo thông tin từ Bộ công thương, tháng 3/2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 170 nghìn tấn, trị giá 685 triệu USD, tăng 7,94% về lượng và tăng 8,9% về trị giá so với tháng 3/2020.

Xuất khẩu thủy sản đạt hơn 422 nghìn tấn trong quý I năm 2021

Tính chung quý I năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 422,3 nghìn tấn, trị giá 1,687 tỷ USD, tăng 4,77% về lượng và tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 2/2021, xuất khẩu thủy sản giảm 22,7% về lượng, đạt 96,2 nghìn tấn, trị giá 392,6 triệu USD, giảm 21,8% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 252,3 nghìn tấn, trị giá 1 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng nhưng giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm các loại ổn định, xuất khẩu cá tra, basa và cá đông lạnh của Việt Nam giảm, trong khi xuất khẩu chả cá, mực các loại, cá khô, cá đóng hộp tăng mạnh. Cụ thể:

Về tôm, tháng 2/2021 giá trị xuất khẩu của tôm dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu và đứng thứ 2 về lượng, đạt 17,1 nghìn tấn, trị giá 155,99 triệu USD, giảm 18,3% về lượng và giảm 19,3% về trị giá so với tháng 2/2020. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm các loại đạt 42,4 nghìn tấn, trị giá 376 triệu USD, tăng 0,1% về lượng, nhưng giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020

Về xuất khẩu cá tra, cá basa tháng 2/2021 đạt 38,4 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD, giảm 29,3% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra, cá basa của cả nước đạt 101,5 nghìn tấn, trị giá 201,3 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 1/2021, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản đứng thứ 4 cho Đức (đạt 17,04 triệu USD), sau Na Uy, Trung Quốc và Hoa Kỳ. (Ảnh minh họa: SaoTa)

Tiếp tục định hướng phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Ngày 25/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ngành thủy sản vẫn tiếp tục định hướng phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường, sinh thái. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Cụ thể, định hướng phát triển ngành tôm đến năm 2025 đạt sản lượng khoảng 950 nghìn tấn/năm, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 660.000 ha. Phát triển theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Với cá tra, phát triển nuôi cá tra theo hướng bền vững, tăng diện tích và sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, duy trì diện tích nuôi khoảng 5.500 -6.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông sản, cũng như định hướng xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phạm Huệ