Tôm nuôi vụ 2 chết hàng loạt do sốc môi trường

Trong thời gian vừa qua, thời tiết ở Bình Định nắng mưa bất thường, dẫn tới môi trường nước trong ao nuôi không ổn định, khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt.

Thời tiết “đỏng đảnh” gây hại tôm nuôi

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, tính đến nay, tôm vụ 2 đã thả nuôi được hơn 1.862ha diện tích mặt nước, tập trung ở huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh là 492ha, còn lại là nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến. Đến nay, tôm nuôi vụ 2 đã được từ 50-80 ngày tuổi, đang cho thu hoạch.

“Vụ 2 là vụ nuôi phụ của người nuôi tôm ở Bình Định. Theo quy luật của thời tiết, tôm nuôi vụ 2 sẽ đối mặt với nắng mưa bất thường, nên ngành chức năng khuyến cáo người nuôi thả giống thưa hơn vụ 1 để hạn chế dịch bệnh, nhất là bệnh về môi trường. Do đó, trong vụ 2, các vùng nuôi tôm trong tỉnh đều thả tôm giống có mật độ thấp, giảm chỉ còn 70% so với vụ chính”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định cho hay.

Tuy nhiên, do trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Bình Định nắng mưa quá bất thường nên tôm nuôi bị gây hại. Theo ông Phạm Văn Chạy, người có thâm niên hàng chục năm nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, Bình Định), thời điểm tôm nuôi vụ 2 mới được 1 tháng tuổi gặp nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong nguồn nước nuôi tăng cao khiến tôm bị sốc nhiệt độ.

“Tôm nuôi thích nghi với ngưỡng nhiệt độ 26-27 độ, nhưng vào thời điểm đó, nhiệt độ tăng đến 39-40 độ nên tôm chịu không nổi bị chết hàng loạt”, ông Chạy cho hay.


Gặp thời tiết bất lợi, máy sục khí phải chạy cả ngày lẫn đêm để duy trì lượng ô xy bổ sung trong nguồn nước nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Sau đợt nắng nóng, trên địa bàn Bình Định lại xảy ra mưa. Nhiệt độ đang ở mức cao bỗng dưng tuột thấp, tôm tiếp tục lại bị sốc môi trường. Theo giải thích của ông Chạy, đang nắng nóng mà bỗng trời mát kéo dài khiến vi sinh vật phù du (tảo) trong ao nuôi hoại tử chết dần, dẫn tới mất cân bằng môi trường sinh thái nguồn nước trong ao, khiến tôm nuôi mất sức đề kháng, không còn đủ sức chống chịu với tác động bất lợi của môi trường. Trước tình hình trên, người nuôi tôm phải chạy máy sục khí cả ngày lẫn đêm để duy trì lượng ô xy bổ sung, nếu không tôm sẽ ngóc đầu lên khỏi mặt nước chết dần.

“Đối với thời tiết bất định, chỉ có tôm nuôi trong nhà kính, có mái che mới thoát cảnh bị sốc môi trường dẫn đến tử vong. Khi mưa thì người nuôi kéo mái che lại không cho nước mưa chảy xuống ao. Bởi, trong nước mưa có thành phần acid, mà lượng acid trong ao nuôi càng cao sẽ làm độ pH trong nước giảm. Lúc này tôm lại bị sốc, tiếp tục chết”, ông Phạm Văn Chạy phân tích.

Nguồn tin: Nông nghiệp Việt Nam