Tôm hùm Mỹ nhập về Việt Nam bán giá cao sao tôm, cua Cà Mau mang lên TP.HCM lại khó?

Đó là trăn trở của nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2021. Nhiều nhà phân phối sản phẩm cho rằng, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển tôm, cua Cà Mau bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng nơi sản xuất dư thừa – nơi thiếu hụt hàng hóa.

Sản lượng tôm Cà Mau chế biến giảm do ảnh hưởng dịch bệnh

Ngày 18/9, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông, thủy sản tỉnh Cà Mau 2021.

Báo cáo tại Diễn đàn, ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, thông tin: Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 405.258 tấn, trong đó sản lượng tôm ước đạt 142.873 tấn; sản lượng tôm chế biến 8 tháng ước đạt 114.957 tấn.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, từ ngày 4/8/2021, các doanh nghiệp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, một số nhà máy, cơ sở sơ chế và chế biến tôm tạm dừng hoạt động.

Các nhà máy chế biến, doanh nghiệp phải thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” giảm số lượng công nhân làm việc, giảm giờ làm, làm giảm công suất chế biến nên sản lượng tôm chế biến bị ảnh hưởng.

Sản lượng tôm Cà Mau chế biến giảm do ảnh hưởng dịch bệnh. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Cà Mau. Ảnh: HA.

Ngoài ra, giá tôm thương phẩm trên địa bàn tỉnh trong tháng qua dao động mạnh, có tăng, giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong tỉnh và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch siết chặt hay nới lỏng.

So với trước khi thực hiện giãn cách xã hội, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 25-20 con/kg tăng 5.000-9.000 đồng/kg, giá tôm sú giảm 10.000 – 15.000 đồng/kg, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100-40 con/kg giảm từ 1.000 – 14.000 đồng/kg.

Vừa qua tỉnh Cà Mau thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, tổ đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân tiêu thụ được hơn 20.000 tấn nông sản các loại, hiện còn tồn 1.183 tấn, đang tiếp tục hỗ trợ kết nối.

Ngoài ra, tổ cũng đã rà soát diện tích nuôi trồng thủy sản trong dân đến thời điểm thu hoạch hoặc sắp thu hoạch, hiện có 1.958 tấn thủy sản của 271 hộ dân, trong đó có 1.837 tấn tôm thẻ chân trắng của 247 hộ, gần 96 tấn cá kèo của 16 hộ và 25 tấn sò huyết của 8 hộ.

Tôm sú tươi sống là mặt chủ lực của Cà Mau được nhiều nhà phân phối ưa chuộng. Trong ảnh: Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm sú nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Ảnh: Chúc Ly.

Bên cạnh đó, tổ đã kịp thời cung cấp danh sách 32 đại lý thu mua tôm (đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19) cho các hộ dân nuôi tôm công nghiệp liên hệ, trao đổi tổ chức thu mua theo nhu cầu và tiếp tục liên hệ cập nhật danh sách đại lý thu mua tôm đủ điều kiện để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Vận chuyển khó khăn, nơi sản xuất dư thừa – nơi tiêu thụ thì thiếu hụt

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Paul Le – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Central Retail đặt vấn đề, sản phẩm tôm, cua của Cà Mau rất ngon và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên giá tôm, cua ở nơi sản xuất và trên thị trường có sự chênh lệch lớn. Các địa phương và ngành chức năng cần tìm cách kết nối, làm sao đem sản phẩm ngon và đúng giá đến các siêu thị.

Ông Đỗ Quốc Huy – Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, hiện nay có tình trạng do điều kiện thông thương bị hạn chế dẫn đến giá sản phẩm bị đẩy lên cao. Điều này gây bất lợi cho cả hai phía bán và mua.

Sản phẩm tôm Cà Mau, cua Cà Mau có chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Chúc Ly.

Cũng theo ông Huy, cua Cà Mau là một thương hiệu nổi tiếng, tuy nhiên, ở một số nơi để ăn được con cua Cà Mau ngon chính hiệu thì rất khó. Và điều này rất cần đến sự tham gia quảng bá, bảo chứng của lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Đó là câu chuyện về việc đảm bảo về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và tạo ra được những kênh để khách hàng trải nghiệm.

“Phía Bộ NNPTNT và các địa phương nên có định hướng, hướng dẫn thu hoạch làm sao đừng để bị dồn vào một lúc, dẫn đến bà con gặp khó khăn. Bên cạnh đó, phải làm sao để con tôm Cà Mau đến TP.HCM có giá hợp lý nhất và chất lượng tươi ngon nhất. Để đạt được điều đó thì phải chuẩn từ khâu nuôi trồng, sơ chế, đến đóng gói, bảo quản. Và xa hơn nữa là bao bì hình thức, mẫu mã làm sao thu hút khách hàng”, ông Huy nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Trần Kim Nga – Giám đốc đối ngoại MM Mega Market Việt Nam, cho biết: “Tôi rất ấn tượng về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Cà Mau. Tuy nhiên, do hiện nay, Cà Mau và các tỉnh tăng cường kiểm soát dịch bệnh nên dẫn đến nhiều khó khăn trong vận chuyển, cung ứng hàng hóa”.

Theo bà Nga, phía MM Mega Market đã có những nhà cung cấp ổn định ở Cà Mau. Hiện nay các mặt hàng chủ lực của Cà Mau như tôm sú, cua Cà Mau được đơn vị mua rất nhiều từ các doanh nghiệp của Cà Mau.

Tuy nhiên, từ ngày 23/8 đến nay, tỉnh áp dụng giãn cách xã hội và sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể sản xuất hết công suất, dẫn đến nguồn hàng cung ứng cho các siêu thị, nhà phân phối bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cho rằng Cà Mau cần tổ chức các chuỗi cung ứng sản phẩm, khâu vận chuyển thông suốt và chất lượng đảm bảo để sản phẩm của Cà Mau đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất. Ảnh: Chúc Ly.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, nhiều mặt hàng đặc sản của Cà Mau ai cũng biết đến. Tuy nhiên, hàng hóa của Cà Mau để chở ra được Hà Nội cũng rất khó khăn, đó là trong điều bình thường chứ chưa nói đến hiện tại. Chính vì vậy chi phí vận chuyển rất cao.

“Các địa phương cần tạo được chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào được các hệ thống bán lẻ. Các nhà bán lẻ cũng mong muốn có được sản phẩm tận gốc để khi đến tay người tiêu dùng với giá tốt hơn. Chính quyền địa phương có thể thành lập đội thu mua để đảm bảo độ tin cậy về nguồn gốc xuất xứ, không để ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm”, bà Hậu chia sẻ.

Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng tôm đất và cá kèo của Cà Mau là đặc sản rất ngon cần được quảng bá, tiếp thị nhiều hơn. Ngoài ra, Cà Mau đang triển khai mô hình tôm hữu cơ, điều này rất tốt và cần phát huy thêm. Tỉnh phải xây dựng hệ thống điểm để cung ứng. Khi doanh nghiệp mua hàng thì phải có chuỗi thông suốt, bên cạnh đó là công nghệ hỗ trợ để vào hệ thống siêu thị.

“Các anh phải bàn thêm để xây dựng chuỗi để đưa đặc sản vào siêu thị. Hệ thống siêu thị khác chợ đầu mối ở chỗ phải đảm bảo nguồn cung lâu dài và chất lượng”, ông Nam đề nghị.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng nhìn nhận, đối với địa phương cái chưa làm được làm tổ chức thành chuỗi để hợp tác với nhà phân phối. Giới thiệu sản phẩm thì nhiều nhưng khi nhà phân phối đặt vấn đề mua hàng thì không có để cung cấp.

Đồng thời, ông Sử cũng cho rằng, Cà Mau có nhiều sản phẩm, khi các đối tác đã chọn lựa sản phẩm nào thì đăng ký với Cà Mau để tỉnh cùng với nhà mua thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu.

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm của tỉnh Cà Mau ước đạt 707 triệu USD, đạt hơn 64% kế hoạch, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu thủy sản đạt gần 653 triệu USD (chiếm hơn 92%) kim ngạch của tỉnh, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm 2021 nên tính chung 8 tháng xuất khẩu thủy sản của tỉnh vẫn đạt kết quả khá tích cực tăng 17,6% so cùng kỳ.