Thuận lợi về thời tiết và giá cả – người nuôi tôm, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất

Trong những ngày qua, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tăng mạnh trở lại. Đây là những tín hiệu cực kỳ có lợi và người nuôi tôm Sóc Trăng vô cùng phấn khởi; qua đó góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất mà ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã đề ra khi nông dân đẩy nhanh mở rộng quy mô sản xuất trở lại sau nhiều tháng không nuôi do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết bất lợi.

Theo thương lái thu mua tôm, hiện tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg có giá dao động từ 170-190 ngàn đồng/kg; loại 40 con/kg từ 125-140 ngàn đồng/kg; tôm thẻ loại 80-100 con/kg giá từ 85-105 ngàn đồng/kg. Trong đó, tăng mạnh nhất là giá tôm thẻ, khi tăng lên gần từ 40 ngàn đồng/kg so với những tháng đầu năm.

Tại thị xã Vĩnh Châu, một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng với diện tích thả nuôi hàng năm gần 27 nghìn ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 60 nghìn tấn mỗi năm. Niên vụ 2020 này, nhờ thuận lợi về thời tiết, cộng với giá bán cao khiến nông dân vô cùng phấn khởi. Đặc biệt là những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Vĩnh Châu có điều kiện đầu tư đã tích cực cải tạo ao và tăng dần diện tích nuôi tôm trên ao lót bạt. Đây là mô hình mới, có chi phí đầu tư tương đối cao, nhưng tỷ lệ tôm nuôi đạt thành công trên 90%. Theo số liệu thống kê của UBND thị xã Vĩnh Châu, hiện trên địa bàn thị xã có gần 1.000 ha nuôi tôm thâm canh theo mô hình ao trải bạt với tổng số trên 230 hộ, cơ sở nuôi. Năng suất bình quân của các mô hình nuôi ao trải bạt đạt 20-30 tấn/ha. Mô hình này đã giúp hộ nuôi, cơ sở, doanh nghiệp tăng thu nhập.

Hộ dân Ngô Thanh Tuấn ở xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ, qua mấy vụ nuôi ban đầu, dù chi phí đầu tư cho ao lót bạt cao nhưng đổi lại tỷ lệ thành công trong mỗi vụ nuôi luôn cao. Tỷ lệ tôm đạt kích cỡ 20 con/ký chiếm gần 70% mỗi ao nuôi. Tỷ lệ này rất cao nếu so với nuôi trên ao đất trước đây.

Cùng với những thuận lợi của thời tiết và giá cả thì các doanh nghiệp chuyên chế biến và xuất khẩu tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng đang tận dụng những lợi thế từ Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu) để đẩy nhanh kế hoạch và chủ động trong sản xuất. Cụ thể, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi mức thuế giảm mạnh. Theo Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu đối với hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Ông Võ Văn Phục – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, trong nhiều năm qua, thị trường châu Âu là thị trường chủ lực của tôm Việt Nam, lợi thế hiện nay là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam có lợi thế hơn so với một số quốc gia khác. Điều này giúp cho các doanh nghiệp tăng lượng hàng xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu cũng đòi hỏi các doanh nghiệp tốn khoản đầu tư rất lớn về trang trại, chất lượng sản phẩm, môi trường và an sinh xã hội.

Hiện nay, công ty hiện có diện tích nuôi tôm khoảng 150 ha, trong đó có 238 ao nuôi tôm được áp dụng theo quy trình công nghệ hiện đại. Các sản phẩm về tôm đã được xuất khẩu qua các thị trường lớn như: EU, Nhật, Mỹ… Thời gian qua, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt nên nhà máy sản xuất của công ty hoạt động ổn định, việc bán hàng vào thị trường Mỹ rất thuận lợi. Trong 8 tháng đầu năm 2020, công ty có tổng doanh thu trên 81 triệu đô la Mỹ (USD), tổng sản lượng chế biến trên 8.454 tấn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Mã Thị Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiêu chuẩn châu Âu đáp ứng rất tốt. Các công ty đều có vùng nuôi nguyên liệu riêng, đồng thời liên kết với nông dân có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc kiểm tra khắt khe nên đảm bảo chất lượng, độ đồng đều và an toàn kháng sinh. Có thể nói, doanh nghiệp Sóc Trăng đã vươn tầm được hội nhập thị trường châu Âu từ rất sớm bởi công nghệ được đầu tư hiện đại, kỹ thuật chế biến, tay nghề người lao động cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu, uy tín. Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp Sóc Trăng thường nằm trong tốp 10 doanh nghiệp hàng đầu thủy sản của Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu thăm Trại nuôi tôm của Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng)

Trước đó, theo dự báo của Tổng cục Thủy sản, trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, cùng những tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn sẽ dẫn đến người nuôi chậm thả giống hoặc tôm chậm lớn đối với vùng khó điều tiết nước ngọt sẽ làm đảo lộn kế hoạch sản xuất.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch bệnh COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản không tránh khỏi bị ảnh hưởng, ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.

Tổng cục Thủy sản cho biết, trong năm 2020, kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ sẽ đạt khoảng 730.000 ha; trong đó, tôm sú là 620.000 ha và tôm thẻ là 110.000 ha. Sản lượng dự kiến đạt 830.000 tấn (tôm sú là 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng là 550.000 tấn). Kim ngạch xuất khẩu tôm nước phấn đấu đạt ở mức 3,5 tỷ USD, tăng khoảng 2-3% so với năm 2019.

Riêng tại Sóc Trăng, một trong địa phương có diện tích thả nuôi tôm tương đối lớn của khu vực đồng bằng song Cửu Long thì ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 317.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 167.000 tấn; kim ngạch thủy sản đạt 670/900 triệu USD (tăng 6,3% so với năm 2019). Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 236.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 900/1.200 triệu USD (tăng 34% so với năm 2020).

Với những tín hiệu khả quan từ thị trường xuất khẩu, cùng những thuận lợi về thời tiết và giá bán, hy vọng một niên vụ tôm 2020 tiếp tục mang đến lợi nhuận và thành công đối với người nuôi Sóc Trăng nói riêng và người nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng