Thời tiết cực đoan: Người nuôi tôm miền Bắc khốn đốn

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] Thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân. Trong khi đó giá vật tư đầu vào đang có chiều hướng tăng đã khiến tình hình nuôi tôm của bà con gặp nhiều khó khăn…

Thời tiết bất lợi cho tôm nuôi

Những tháng gần đây, người dân nuôi tôm khu vực ven biển tỉnh Thái Bình đang đứng ngồi không yên khi phải đối mặt với bệnh đốm trắng phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho hộ sản xuất. Thống kê nhanh tại Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thái Bình, đến hết ngày 18/5, bệnh đốm trắng trên tôm đã phát sinh tại 249 ao nuôi của 111 hộ dân, thuộc xã Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường, Thái Đô (huyện Thái Thụy) và xã Nam Cường, Đông Minh, Nam Thắng, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải). Tổng diện tích các ao có tôm bị bệnh là hơn 376.000 m2, với số lượng giống thả trên 10 triệu con. Mà nguyên nhân chính được cho là bởi năm nay thời tiết bất lợi, mưa đến sớm, nắng gắt xen kẽ mưa dầm, độ mặn trên các sông xuống thấp, có thời điểm chỉ bằng 0%o đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thả giống và sự phát triển của tôm nuôi.

Ông Trần Văn Tuyên, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết: “Ngay từ đầu vụ nuôi thủy sản xuân hè năm nay, trước khi xuống giống tôm trên diện tích 400m2 gia đình tôi đã đầu tư gần 15 triệu đồng cho việc nạo vét bùn, vệ sinh ao bằng vôi bột và chọn cơ sở cung cấp giống có uy tín để mua con giống nhằm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết khắc nghiệt gây ra hiện tượng mưa giông, nắng xen kẽ làm chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường ao nuôi, dẫn đến xuất hiện nhiều dịch bệnh trên đối tượng nuôi thủy sản, đặc biệt là bệnh đốm trắng ở tôm mới thả. Dịch bệnh xảy ra khiến bà con nông dân chúng tôi lo lắng đứng ngồi không yên, vì bệnh đốm trắng chưa có thuốc chữa, nếu không có biện pháp khống chế kịp thời gây thiệt hại nặng nề về kinh tế”.

Từ đầu năm 2022 đến nay dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 109 hộ/191 đầm thuộc 4 huyện của tỉnh Nghệ An, gồm: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu với tổng diện tích bị bệnh 65,57 ha. Trong đó, tôm bị bệnh đốm trắng là 34,98 ha, tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính 28,87 ha, tôm chết do môi trường 1,72 ha. Bệnh chủ yếu xảy ra tại các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh thuộc thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu.

Là một người nuôi có nhiều kinh nghiệm, với 12 năm theo nghề nuôi tôm, chưa năm nào gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) lại thua lỗ nặng như vụ tôm 2022. Trên diện tích 4,5ha với 10 ao nuôi, từ tháng 3 đến nay, gia đình bà đã xuống giống 3 đợt tôm nhưng đợt nào con tôm cũng bị bệnh. “Cứ xuống giống được 30-45 ngày là bị hồng thân và đốm trắng, tôm chết hàng loạt. Để cứu vốn, đành thu hoạch non, bán tháo ra thị trường với giá rẻ mạt. 5 ao nuôi, lẽ ra đến kỳ cho thu hoạch tiền tỷ thì nay, tôm bệnh, bán đổ bán tháo thu về được vài chục triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, thiệt hại do tôm bệnh đã lên đến tiền tỷ”, bà Hằng xót xa.

Còn tại Quảng Ninh, điển hình như tại TP Móng Cái, đã phát hiện tình trạng tôm chết ở một số hộ nuôi phường Hải Hòa và Bình Ngọc. Nguyên nhân do nhiệt độ thời tiết tăng cao, kèm theo mưa rào và dông, gây biến động các yếu tố môi trường nước ao nuôi, tạo điều kiện cho virus đốm trắng, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính cho tôm dễ dàng phát triển.

Theo chia sẻ của người dân, để xuống giống 1ha tôm, phải đầu tư hàng trăm triệu đồng. Hai năm nay, giá thức ăn cho tôm tăng vọt, chi phí đầu vào cũng tăng cao trong khi giá tôm thất thường khiến người chăn nuôi thua lỗ. Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, giá tôm ổn định và có xu hướng nhích dần, người dân phấn khởi vào vụ nuôi mới thì lại gặp phải dịch bệnh nên người nuôi gặp không ít khó khăn.

Mật độ Vibrio ở một số vùng nuôi vượt ngưỡng cho phép

Đối mặt với tình hình trên, vừa qua Tổng cục Thuỷ sản đã phối hợp với các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III và chỉ đạo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thuỷ sản tiến hành quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản với 172 điểm quan trắc trên tôm nước lợ, cá tra tại 29 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đối với vùng nuôi tôm nước lợ khu vực phía Bắc, diễn biến môi trường tháng 05/2022 cho thấy các chỉ tiêu quan trắc như nhiệt độ, pH, DO, độ kiềm, H2S, COD nằm trong ngưỡng cho phép. Độ mặn, N-NH4, N-NO2, P-PO4, TSS, ColiformVibrio tổng số ở một số điểm quan trắc có giá trị nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép. Mật độ coliform trong nước nguồn cấp tại một số điểm quan trắc rất cao, có 65,38 % số mẫu cao vượt giới hạn từ 2 – 270 lần. Mật độ Vibrio tổng số trong nước nguồn cấp tại Võ Ninh (Quảng Bình) và Xuân Phổ (Hà Tĩnh) vượt giới hạn từ 1,2 – 1,7 lần và không phát hiện mầm bệnh AHPND trong nước nguồn cấp.

Chỉ số chất lượng nước (WQI) một số mẫu nước nguồn cấp ở mức xấu như: Lăng Cô (Huế), Hộ Độ, Xuân Phổ (Hà Tĩnh), Quỳnh Bảng (Nghệ An), Hải Chính (Nam Định)… So sánh với cùng kỳ năm 2021 thì nguồn cấp trong tháng 5/2022 có chất lượng xấu hơn.

Trên cơ sở kết quả quan trắc, Tổng cục Thuỷ sản đã phối hợp với các đơn vị ban hành bản tin cảnh báo diễn biến môi trường vùng nuôi ứng phó với tình hình mưa, lũ và nắng nóng. Đồng thời, kịp thời ban hành văn bản về việc chỉ đạo ứng phó với mưa bão năm 2022 trong nuôi trồng thuỷ sản.

Tăng cường quản lý, theo dõi sát sao

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Nhiệt độ biến động lớn, chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm cao kết hợp mưa rào làm cho điều kiện môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi. Khi tôm nuôi bị giảm sức đề kháng, cộng với môi trường suy giảm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát diện rộng.

Phân tích về vấn đề này, ông Kim Văn Tiêu, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Khí hậu thất thường, nuôi tôm rất khó lường. Do biên độ nhiệt ngày, đêm lớn nên tôm dễ bị sốc nhiều, giảm sức đề kháng, dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến nhiễm bệnh”.

Theo dự báo, thời gian tới thời tiết còn có nhiều diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho tôm nuôi. Người nuôi tôm cần nắm bắt những giải pháp ngành chức năng hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi để tránh thiệt hại. Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, hằng ngày kiểm tra chặt chẽ môi trường ao nuôi, thông số môi trường nước để điều chỉnh kịp thời.

Hoàng Long

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022, từ đầu năm 2022 đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh khoảng 1.200 ha. Cụ thể: Diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 978 ha, chủ yếu là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021).

Từ đầu năm 2022 đến nay, các bệnh xảy ra trên tôm chủ yếu vẫn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính; bệnh EHP xuất hiện ở một số địa phương. Cụ thể, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã xảy ra tại 8 xã của 3 tỉnh, thành phố với diện tích 16ha; bệnh đốm trắng xảy ra tại 12 xã của 3 tỉnh, thành phố với tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh hơn 22ha…