Sóc Trăng: Phòng chống dịch bệnh trước khi thả tôm giống

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Người nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng đang bước vào thời điểm xuống giống vụ tôm mới năm 2023, tuy nhiên điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến người nuôi lo ngại dịch bệnh bùng phát khi xuống giống, nhiều hộ nuôi vẫn trong trạng thái thăm dò…

Với điều kiện thời tiết không thuận lợi hiện nay rất dễ phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi. Nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch cao, ngày nắng, đêm lạnh, độ mặn thấp… là các yếu tố bất lợi khiến rủi do dịch bệnh trên tôm được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.

Theo thống kê tính đến ngày 9/3/2023 diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt trên 1.570ha. Người nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng đang bước vào thời điểm xuống giống vụ tôm mới năm 2023. Tại HTX thủy sản Hưng Phú huyện Cù Lao Dung, hiện bà con đã xuống giống khoảng 50ha (đạt khoảng 50%) tiến độ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Một số hộ nuôi vẫn đang tiến hành cải tạo ao, xử lý nước kỹ lưỡng để hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh.

Năm nay không khí lạnh kéo dài, phần diện tích tôm nuôi đã xuống giống của xã viên đang xảy ra tình trạng tôm bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh chậm lớn tập chung chủ yếu tại huyện Cù Lao và thị xã Vĩnh Châu.

Anh Châu Thanh Nam ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cho biết đây là vụ tôm chính trong năm của bà con nông dân. Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 đến nay, một số diện tích tôm hiện đang phát sinh dịch bệnh, đa phần là bệnh chậm lớn. Anh đánh giá tôm nuôi đặc biệt mẫn cảm với thời tiết, trong quá trình nuôi nếu thời tiết biến động sẽ làm giảm tốc độ ăn của tôm, vì thế bản thân anh cũng đang chần chừ chưa xuống giống.

Trước tình hình dịch thời tiết diễn biến thất thường, HTX thủy sản Hưng Phú đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo xã viên thực hiện xuống giống theo lịch thời vụ, chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng, đặc biệt là khâu quản lý chăm sóc các yếu tố môi trường, tiến hành cải tạo ao thật kỹ trước khi thả giống, diệt tạp, diệt khuẩn, rải vôi ổn định môi trường nước ao nuôi, gây màu nước…; xem xét các yếu tố thời tiết trước khi thả giống để hạn chế phần nào rủi ro dịch bệnh.

Đối với những diện tích đã thả tôm, bà con xã viên cần giữ mực nước từ 1,4-1,6m để môi trường ổn định nhiệt, tăng cường khoáng chất, vitamin cho tôm, đặc biệt là vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho con tôm.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành chủ trương thực hiện thu mẫu ngẫu nhiên định kỳ hàng tuần tại các cơ sở ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh để phát hiện sớm các bệnh trên tôm nhằm xử lý dịch bệnh.

Để mùa vụ nuôi tôm nước lợ đạt mục tiêu của tỉnh đề ra trong năm 2023, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng yêu cầu các địa phương (có nuôi tôm nước lợ) xây dựng lịch thả giống tôm cụ thể cho từng tiểu vùng sản xuất và hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất. Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc đơn vị hướng dẫn cho người nuôi vận dụng lịch thả giống; ứng phó với hạn – mặn, thời tiết bất lợi, phòng chống dịch bệnh; tổ chức tập huấn kỹ thuật, giới thiệu và hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các mô hình nuôi đạt hiệu quả như: nuôi hai hay nhiều giai đoạn; nuôi kết hợp cá…

Thu Hiền