Phương án nào gỡ khó cho sản xuất tôm trong nước?

Khi 19 tỉnh phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg siết chặt, để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, các bộ, ngành và nhiều địa phương đã khởi động các chương trình để giúp người dân an tâm giãn cách, đồng thời đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa.

 

Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có một vài mặt hàng của ngành nông nghiệp như rau, củ quả đang được lưu thông khá tốt, trong khi đó, mặt hàng tôm – ngành sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung lại đang gặp nhiều khó khăn.

Thu hoạch tôm ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

 

Chuỗi sản xuất tôm gặp khó

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh sản xuất nông nghiệp; trong đó, các mặt hàng mạnh nhất là thủy sản, trái cây và lúa gạo. Hiện các dòng sản phẩm trái cây, rau củ và lúa gạo đã được Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng đưa vào các gói an sinh xã hội, gói hỗ trợ người lao động khó khăn, gói đi chợ hộ thông qua kết nối với chính quyền địa phương, nên đã được tiêu thụ tốt hơn so với tháng trước. Riêng đối với mặt hàng thủy sản, đặc biệt là sản phẩm tôm đang gặp nhiều khó khăn, bất cập khác nhau, tùy từng địa phương, do mỗi địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo tình hình thực tế của địa phương mình.

Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, trong các mắt xích đang gặp khó khăn của ngành sản xuất, chế biến tôm, thì người sản xuất tôm và các đại lý thức ăn chăn nuôi đang gặp khó khăn lớn nhất. Giải thích điều này, ông Huy chia sẻ, đối với các ao tôm, mỗi lần thu hoạch cần một đội ngũ lao động từ 15 – 20 người để kéo lưới tôm. Trong khi đó, theo Chỉ thị 16, lực lượng lao động không được đi lại khi chưa có giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày, mà lực lượng này lại không ở tập trung một chỗ. Bên cạnh đó, chỉ có những người chuyên thu hoạch tôm mới đủ tay nghề để làm nhanh, tránh giảm chất lượng tôm, giảm tỉ lệ tôm chết trong quá trình thu hoạch. Thêm vào đó, khi giãn cách siết chặt, đội ngũ thương lái không thể đến thu mua. Vì vậy, các ao tôm sẽ có tình trạng quá lứa, hao tốn thức ăn, cũng như kỹ thuật chăm sóc kéo dài, tiêu tốn nhiều chi phí, tác động mạnh đến thu nhập và kinh tế của người nuôi.

Lực lượng thứ hai chịu tác động mạnh là các đại lý thức ăn chăn nuôi. Thông thường, người sản xuất tôm chỉ mua thức ăn cho tôm theo hình thức ghi nợ. Khi thu hoạch tôm, thương lái giao tiền thì người nuôi sẽ hoàn trả cho đại lý thức ăn chăn nuôi. Nhưng trong khoảng thời gian 2 tháng qua, người nuôi tôm khó bán, lại thêm giá tôm xuống thấp do khó khăn trong khâu vận chuyển, làm cho chuỗi liên kết nông dân và đại lý thức ăn chăn nuôi chững lại. Từ đó, phía đại lý không thể thu hồi vốn để tiếp tục nhập hàng, cung ứng cho người nuôi tôm.

Chính vì sự trì trệ trong thu mua tôm, theo ông Lê Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, việc này đã gây ra nhiều hiệu ứng liên quan khác. Đó là người nuôi có tâm lý chỉ cần bán hết lứa tôm này, sẽ tạm thời ngừng sản xuất, chờ qua dịch bệnh, cuộc sống trở lại bình thường mới tiếp tục nuôi. Nhưng một chuỗi sản xuất có nhiều mắt xích liên quan, nếu trong thời gian này những người nuôi tôm đồng loạt ngừng sản xuất để ứng phó với dịch bệnh, trong thời gian 3 tháng tới, ngành tôm Việt Nam sẽ rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu chế biến nghiêm trọng. Theo đó, tình trạng nhập khẩu tôm từ nước ngoài sẽ tăng vọt gây mất cân bằng sản xuất và xuất khẩu của ngành.

Cần một đầu mối điều phối

Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

 

Sản xuất và chế biến tôm Việt Nam là một chuỗi gắn liền các đầu mối với nhau, bao gồm giống, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc, cung ứng vật tư, thu hoạch và tiêu thụ. Hiện nay, các đầu mối có nguy cơ tách rời, mỗi mắt xích có sự ách tắc khiến cho chuỗi sản xuất, tiêu thụ tôm được cảnh báo lung lay trong 3 tháng cuối năm 2021.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đang nhận được rất nhiều đơn hàng xuất khẩu tôm từ các thị trường Mỹ và châu Âu. Ông Lê Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú cho biết, hiện nay Mỹ và châu Âu đã đủ năng lực khống chế dịch bệnh COVID-19, chính vì vậy nhu cầu tiêu thụ tôm tăng trở lại, thậm chí là nhu cầu lớn, do 2 thị trường này chuẩn bị thực phẩm để phục vụ cho dịp lễ Noel. Trong các sản phẩm tôm chế biến, dòng sản phẩm tôm có size từ 15 đến 25 con/kg lại được lựa chọn trong các hợp đồng. Do đó, đây là một lợi thế để người nuôi tôm tiếp tục sản xuất trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Để toàn chuỗi ngành tôm có thể hoạt động hiệu quả trong giai đoạn cuối năm 2021, các nhà máy chế biến tôm hiện rất cần một lực lượng lao động đủ đáp ứng công suất của nhà máy, đáp ứng được hợp đồng từ các nhà nhập khẩu tôm nước ngoài. Hiện Minh Phú có 2 nhà máy tại Cà Mau và Hậu Giang, nhưng tại Cà Mau chỉ có 1.600 công nhân làm việc, trong khi công suất phải là 6.000 công nhân mới có thể đáp ứng được các hợp đồng đã ký kết. Còn nhà máy tại Hậu Giang hiện chỉ có 1.300 công nhân làm việc, trong khi công suất thực tế là 5.000 công nhân. Minh Phú đã nỗ lực thực hiện mô hình “3 tại chỗ” để công nhân có thể sinh hoạt, làm việc tại nhà máy, nhưng vẫn không thể đáp ứng được hợp đồng của khách hàng.

Để ngành sản xuất, chế biến tôm trong nước được vận hành tốt, ông Lê Minh Quang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có một đầu mối để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm có thể chủ động thông báo những vướng mắc của chuỗi sản xuất tôm, để doanh nghiệp cùng người nuôi tôm duy trì được chuỗi sản xuất này, tránh rơi vào đứt gãy. Bởi ngành tôm mang lại giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư lớn, nếu bị đứt gãy, việc phục hồi sẽ rất khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, chỉ cần các khâu vận chuyển tôm từ các ao nuôi đến các nhà máy thuận lợi hơn, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ thu mua hết toàn bộ số tôm của người nuôi hiện nay. Hiện các doanh nghiệp cũng đang rất cần nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng lớn của khách hàng quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục Thủy sản cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để giải quyết những vướng mắc hiện nay của ngành tôm.

Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị chính quyền địa phương các tỉnh nuôi tôm lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang cần có đội ngũ phản ứng nhanh đối với ngành sản xuất tôm, để cùng thống nhất các phương án vận chuyển giữa các xã, huyện và các tỉnh với nhau. Từ đó, giúp cho ngành tôm lưu thông tốt tại vùng nguyên liệu, đồng thời vướng khâu nào giải quyết ngay chỗ đó để người sản xuất tôm an tâm xuống giống trong thời gian tới, tránh tình trạng thiếu hụt nguyên liệu do tâm lý e ngại khó tiêu thụ.

Trong hai tháng 10 và 11 năm 2021, các thị trường Mỹ, châu Âu có xu hướng lựa chọn các loại tôm cỡ lớn và tiêu thụ rất nhiều sau khi nền kinh tế tại các thị trường này đang dần trở lại bình thường. Do đó, đây chính là cơ hội lớn cho ngành chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không nắm bắt được, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt sẽ mất đi cơ hội quảng bá dòng sản phẩm tôm lớn với thị trường thế giới, ông Lê Minh Quang chia sẻ thêm.

Hồng Nhung – Minh Hưng (TTXVN)

Tin mới nhất

T5,25/04/2024