Phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của tỉnh và mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào nuôi trồng thủy sản của nông dân, ngành Thủy sản Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc, hình thành nhiều mô hình nuôi cá thâm canh cho năng suất, hiệu quả cao, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của gia đình chị Ngụy Hồng Cúc, thôn Đại Lương, xã Thái Hòa (Lập Thạch) trừ chi phí cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.Ảnh: Thế Hùng

Năm 1997, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh chỉ có 2,6 nghìn ha; hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh, quảng canh cải tiến, nên sản lượng nuôi trồng cá thịt chỉ đạt 2,3 nghìn tấn/năm.

Để tạo đà cho ngành thủy sản phát triển, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thủy sản, đặc biệt là Nghị quyết 52 của HĐND tỉnh về cơ chế đầu tư, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2013-2015; Nghị quyết 201 của HĐND tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai chương trình bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, giai đoạn 2013- 2015, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng các mô hình cá giống mới với số lượng gần 550 vạn con; trong đó có 434 vạn cá rô phi; 15,8 vạn cá chép lai 3 máu với tổng diện tích thực hiện 154 ha tại 182 hộ.

Phân tích 13 chỉ tiêu với 240 mẫu nước; hỗ trợ thay thế, bổ sung 7 loài cá bố mẹ với khối lượng 10.229 kg tại 6 cơ sở sản xuất giống thủy sản gồm cá trắm đen, cá trắm cỏ, cá chép, cá mè hoa, cá mè trắng, cá mrigal, cá rôhu.

Giai đoạn 2016- 2020, tỉnh hỗ trợ 640 ha cho 561 hộ nuôi cá giống mới thâm canh với số lượng gần 11,5 triệu con cá rô phi đơn tính, cá chép lai; hỗ trợ 525 máy sục khí tạo ô xy cho các hộ nuôi cá thâm canh…., tạo động lực giúp các hộ nuôi trồng áp dụng các tiến bộ KHKT, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.

Bà Phan Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Việc hỗ trợ nuôi cá giống mới cho các hộ nuôi cá thâm canh của tỉnh đã giúp người dân chủ động con giống, tăng cường kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi, mạnh dạn đầu tư vào nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh; tăng cường áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất như máy tạo ô xy, máy cho cá ăn, máy đo chỉ số môi trường nước, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường.

Nhờ đó, cơ cấu giống thủy sản của tỉnh có sự thay đổi, tăng tỷ lệ các giống cá có hiệu quả kinh tế vào sản xuất như cá chép, rô phi đơn tính, trắm, lăng, chuối hoa; phát triển mạnh nuôi các loại cá thịt theo hướng thâm canh, bán thâm canh, tăng năng suất đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao… đưa diện tích nuôi trồng thủy sản từ 2,6 nghìn ha năm 1997 lên 6,43 nghìn ha năm 2021; tổng sản lượng nuôi trồng cá thịt tăng từ 2,3 nghìn tấn năm 1997 lên 23,5 nghìn tấn năm 2021.

Xuất hiện nhiều mô hình nuôi cá thâm canh cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha gấp 2-3 lần so với nuôi cá truyền thống.

Ngoài nuôi chính vụ, một số hộ còn nuôi cá qua đông cho hiệu quả kinh tế cao, khép kín nuôi 2 vụ/năm và tăng giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1ha từ 153 triệu đồng/ha năm 2017 lên 170 triệu đồng/ha năm 2020.

Người dân đã quan tâm đầu tư nuôi trồng một số thủy sản có giá trị cao như cá tầm, ba ba, nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, ếch, tôm càng xanh, cá sấu…, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung như sản xuất và ương nuôi giống thủy sản ở các xã Yên Lập, Đại Đồng, Tân Tiến (Vĩnh Tường); nuôi cá thương phẩm ở các xã: Phú Đa, Tuân Chính (Vĩnh Tường), Tam Hồng, Yên Đồng, Nguyệt Đức (Yên Lạc); nuôi cá lồng ở huyện Sông Lô.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2017-2020 của tỉnh đạt 4,6%/năm. Năm 2020, giá trị thủy sản đạt hơn 735 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm 2013 và tăng 15,2% so với năm 2017.

Hàng năm, Chi cục Thủy sản thực hiện thả bổ sung các giống loài thủy sản như cá mè, trôi mrigan, trôi rohu, chép, cá chày…vào thủy vực tự nhiên nhằm khôi phục khả năng tự tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo cân bằng sinh thái, ổn định quần xã thủy sinh vật ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với phòng NN&PTNT các huyện, thành phố và các địa phương, Phòng Cảnh sát môi trường PC49, Đội CSGT đường thủy (Công an tỉnh) kiểm tra, phát hiện và xử lý các hoạt động đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, trái phép.

Năm 2021, Chi cục Thủy sản tổ chức thả hơn 3 tấn cá các loại tại Sông Phan (phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) và hồ Làng Hà (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo).

Đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, thời gian tới, tỉnh tập trung đầu tư sản xuất giống thủy sản, nâng cao chất lượng con giống truyền thống, xây dựng các sản phẩm thủy sản có chứng nhận, thương hiệu.

Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, áp dụng KHCN; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và thu hút DN đầu tư sản xuất thủy sản; chọn lọc, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các hồ, sông, suối.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 6.600 ha, sản lượng nuôi đạt 29,5 nghìn tấn, sản lượng giống thủy sản đạt 3,2 tỷ con các loại; tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân đạt trên 7,0%/năm.

Tác giả: Mai Liên

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc