Nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi gặp khó sau dịch

Thị trường tiêu thụ thủy sản của Quảng Ngãi bị thu hẹp đến mức chưa từng có do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả cũng vì thế giảm sâu.

Bà Đỗ Thị Thu Đông, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2021, mặc dù năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tăng cao nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 và bão, lũ kéo dài nên người dân gặp khó trong quá trình thu hoạch, tiêu thụ, hiệu quả kinh tế không đạt như kỳ vọng.

Cụ thể, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt hơn 131% kế hoạch năm và tăng 1.358 tấn so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, nuôi thủy sản nước lợ tăng hơn 875 tấn so với cùng kỳ và nuôi nước ngọt tăng hơn 397 tấn so với cùng kỳ.

Kết quả này nhờ người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, đa dạng đối tượng nuôi và hình thức nuôi. Đáng chú ý, nhiều diện tích nuôi tôm ở huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ đã chuyển đổi sang nuôi ốc hương, cho năng suất và sản lượng khá cao.

Cùng với đó, một số mô hình nuôi ghép ốc hương – hải sâm; ốc hương – cá măng, cá dìa; mô hình tôm – cá hay tôm với đối tượng khác. Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại huyện Sơn Tây, Sơn Tịnh… đã mang lại hiệu quả khả quan, nâng cao sản lượng thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, do tâm lý thương lái ngoại tỉnh ngại đến Quảng Ngãi thu mua thủy sản trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp đã khiến cho thị trường tiêu thụ thủy sản bị thu hẹp đến mức chưa từng có, giá cả cũng vì thế giảm sâu. Thậm chí có một số thời điểm trong năm, người nuôi không thể xuất bán thủy sản được và phải “sống chung” với nỗi lo mất trắng hoặc thua lỗ nặng.

Để phần nào giúp người dân yên tâm phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Thị Thu Đông cho hay, chi cục sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa bệnh cho thủy sản nuôi. Trọng tâm vẫn là thực hiện quan trắc chất lượng nước ao nuôi, nguồn nước cấp cho nuôi thủy sản nước lợ và nước nuôi thủy sản biển.

Đồng thời, xây dựng lịch thời vụ và giải pháp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản sát với thực tế sản xuất của từng địa phương; tổ chức kiểm tra việc chấp hành lịch thời vụ của các hộ nuôi; tổ chức thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Cùng đó, triển khai thực hiện cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ- CP của Chính phủ… để chủ động hơn trong việc tạo ra nguồn giống chất lượng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân./.

Tác giả: Lê Phước Vĩnh Trọng

Nguồn tin: TTXVN