Nuôi tôm cỡ lớn – tối ưu hóa lợi nhuận

Trong những năm gần đây, năng suất, chất lượng tôm nuôi của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Việc sản xuất được tôm cỡ lớn vừa gia tăng được lợi nhuận cho người nuôi, vừa khẳng định bước tiến vượt bậc của nghề nuôi tôm ở nước ta…

Nguồn nguyên liệu cần thiết trong sản xuất

Các nhà máy chế biến thủy sản cho biết, tôm thẻ chân trắng từ 25-40 con/kg được xem là nguồn nguyên liệu cỡ lớn. Do khó nuôi nên nguồn tôm này hiện rất ít, trong khi nhu cầu của thị trường lại cần nhiều. Tôm cỡ lớn chứa nhiều chất dinh dưỡng, dễ chế biến nên người tiêu dùng rất ưa chuộng và sẵn sàng đưa ra giá cao để mua. Tuy nhiên, việc nuôi tôm cỡ lớn lại là điều không dễ dàng, đặc biệt là dưới tác động của thời tiết và dịch bệnh như hiện nay.
TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta Việt Nam (Mã: FMC), cho biết hiện nay có hiện tượng tôm cỡ lớn tiêu thụ chậm nhưng đây không phải xu thế nổi trội trên thị trường ở trên thị trường hiện tại. Ông Lực phân tích cần phân biệt tôm cỡ lớn ở hai loại là tôm sú và tôm thẻ. Đối với tôm sú thường là cỡ lớn (khoảng 20 con/kg), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều loại tôm này của Việt Nam. Giới thượng lưu, các nhà hàng tại Trung Quốc rất thích tôm sú cỡ lớn của Việt Nam và thị trường này mua tỉ lệ rất cao trong tổng số tôm lớn ở Việt Nam.

Chủ tịch Sao Ta cũng cho rằng người nuôi không nên thu tôm khi còn nhỏ để bán trong thời điểm hiện tại mà cần tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn. “Người nuôi thường để tôm càng tốt để nâng cao hiệu quả. Người ta chỉ thu tôm nhỏ khi có sự cố hoặc nuôi quá dầy chứ bình thường không ai thu tôm nhỏ”, ông nói thêm.

Tối ưu hóa lợi nhuận

Để chứng minh cho việc nuôi tôm kích cỡ lớn có thể giúp người nuôi nâng cao tối đa lợi nhuận, chúng ta sẽ cùng đến với bảng số liệu phân tích về chi phí và lợi nhuận theo từng kích cỡ với mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao dưới đây.

Bảng phân tích chi phí – lợi nhuận theo kích cỡ tôm

(Giá tôm dựa trên khảo sát tại khu vực ĐB Sông Cửu Long ngày 25/8/2020)

Số lượng giống thả (con) Kích cỡ thu hoạch (con/kg) Sản lượng thu hoạch (kg) Giá bán (VNĐ/Kg) Chi phí sản xuất (vnđ/kg) Tổng doanh thu (triệu vnđ) Tổng chi phí (triệu vnđ) Lợi nhuận (triệu vnđ)
       100,000                100            1,000          79,000          75,000               79.0               75.0                 4.0
       100,000                  70            1,429          93,000          77,000            132.9            110.0               22.9
       100,000                  50            2,000        109,000          85,000            218.0            170.0               48.0
       100,000                  30            3,333        142,000          93,000            473.3            310.0            163.3
       100,000                  25            4,000        154,000        101,000            616.0            404.0            212.0
       100,000                  20            5,000        177,000        109,000            885.0            545.0            340.0
       100,000                  15            6,667        201,000        119,000         1,340.0            793.3            546.7

 

Biểu đồ minh họa lợi nhuận theo kích cỡ tôm tính trên 100.000 tôm giống

Có thể thấy rằng, với mỗi 100.000 con giống thả nuôi, nếu thu hoạch với kích cỡ 100 con/kg sẽ cho lợi nhuận là 4 triệu đồng. Nếu để về kích cỡ 50 con/kg sẽ bắt đầu cho lợi nhuận khá tốt, nâng lợi nhuận thu về lên 48 triệu đồng, cao gấp 12 lần so với kích thước 100 con/kg và đạt 28,2% so với tỷ suất đầu tư.

Nêu nâng kích thước tôm lên 30 con/kg, lợi nhuận thu về sẽ vụt lên 163 triệu đồng, đạt 52,7% tỷ suất đầu tư.

Nếu về được kích thước 20 con/kg sẽ giúp nâng lợi nhuận thu về lên đến 340 triệu đồng, gấp 85 lần so với tôm có kích cỡ 100 con/kg. Tỷ suất lợi nhuận lúc này cũng đạt đến 62.4%.

Đặc biệt, nếu tôm đạt 15 con/kg có thể thu về lợi nhuận 546 triệu đồng. Gấp 3,4 lần so với khi tôm đạt 30 con/kg. Tỷ suất lợi nhuận tương ứng 68.9%. Đây là một mức lãi suất ấn tượng mà người nuôi tôm luôn mong muốn đạt được trong các vụ tôm của mình.

Kích cỡ tôm từ 70-100 con/kg vốn không khó để sản xuất với đại bộ phận người nuôi tôm nên giá thường thấp. Có đôi khi do yêu cầu của thương lái cho đơn hàng riêng lẻ, giá có thể tốt lên trong một vài thời điểm ngắn hạn song thường không ổn định.

Như vậy, có thể thấy tôm nuôi thu hoạch cỡ (size) lớn thường có giá cao hơn gấp 1,5 – 2 lần so với tôm cỡ nhỏ. Hơn nữa, cùng số lượng đầu con thả nuôi, tôm cỡ lớn còn làm tăng sản lượng nên người nuôi có lãi cao hơn gấp nhiều lần.