Nông dân thắng lớn với nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Thông thường nuôi tôm mỗi lứa mất thời gian từ 4-6 tháng, tức là mỗi năm chỉ nuôi được 2-3 lứa. Với tiến bộ kỹ thuật mới nuôi tôm theo nhiều giai đoạn, hàng chục nghìn trang trại nuôi tôm ở miền Nam đã áp dụng thì trên mỗi diện tích ao, một năm có thể nuôi được từ 4 đến 6 vụ, tôm ít gặp rủi ro do bệnh tật, đem lại lợi nhuận cao.

Anh Lương Văn Hà, chủ Farm Liên Giang, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 5.913ha. Trong đó diện tích nuôi nước các loài thủy sản nước mặn, lợ là 4.062,4 ha, chiếm 68,8 %.  Đặc biệt, tại Bà Rịa – Vũng Tàu có 16 trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích 397,2 ha. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất hay hồ tròn có lót bạt trong nhà màng, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250 – 500 con/m2. 

 

Nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Trong chuyến điền dã vùng Đông Nam Bộ mới đây, chúng tôi đến thăm khu nuôi tôm xuất khẩu Farm Liên Giang ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trang trại nuôi tôm tại đây có tổng diện tích 8 ha. Đầm nước được ngăn thành 15 ao nuôi với kích thước và hình dáng khác nhau, tất thảy đều lót bạt nhựa. Điều ngạc nhiên, có những ao được làm nổi trên mặt đất nhìn như chiếc chảo khổng lồ. Bên trên, hệ thống màng lưới che phủ giúp mặt nước luôn râm mát, giảm sự tác động của thời tiết, khí hậu; trên ao hệ thống máy sục oxy, quạt đảo nước hoạt động suốt đêm ngày.

Tại đây, tôm nuôi được cho ăn bằng máy. Các tiêu chuẩn của ao nuôi sẽ được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày, như: độ kiềm, độ pH, độ cứng, canxi, magie… cho phù hợp với sự phát triển ổn định của con tôm. Đáy ao được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng việc hút chất thải trong ao. Bên cạnh việc tuân thủ kỹ thuật nuôi, ngay từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc và an toàn. Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất kháng sinh. 

Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe anh Lương Văn Hà – Chủ trang trại kể rằng trước năm 2019, anh chưa từng nuôi tôm. Nhưng sau khi tiếp cận, tìm hiểu mô hình nuôi tôm CPF Combine 3 giai đoạn, anh Hà cùng anh em, họ hàng thành lập công ty để nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình này. “Trước khi nông trại Liên Giang Farm ra đời, khu vực này là ruộng bị bỏ hoang vì nhiễm mặn. Nhìn thấy đồng đất ở đây toàn để hoang hóa, không sản xuất được gì, chúng tôi rất xót xa. Khi biết trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều trang trại nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình CPF Combine, tôi đến tìm hiểu những mô hình nuôi tôm đang thịnh hành và nhận thấy, mô hình nuôi tôm CPF Combine an toàn, hiệu quả cao, đặc biệt là có tính bền vững. Thế là quyết chí nuôi tôm”, anh Hà chia sẻ.

Anh Hà và cùng với mấy người họ hàng góp được số vốn 13 tỷ đồng, bèn thuê 8 ha đất hoang của cánh đồng xã An Ngãi. Trang trại nuôi tôm của anh được Công ty C.P Việt Nam hỗ trợ thiết kế và tư vấn công nghệ, và cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ theo dõi kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Trên diện tích đất thuê được, chỉ dành ra 1,3ha để làm các ao nuôi tôm, phần lớn diện tích còn lại để xây dựng hệ thống ao lắng, lọc… 

Anh Hà cho biết hệ thống xử lý nước có vai trò rất quan trọng trong mô hình CPF Combine mà trang trại đang thực hiện. Với hệ thống này, nguồn nước khi được đưa vào ao nuôi đều là nước sạch, không có vi khuẩn gây hại, các chất độc hại … qua đó, giúp cho con tôm có môi trường an toàn để phát triển thuận lợi.

Đặc biệt, hệ thống này có khả năng xử lý nước nhanh (đầu vào xử lý nước, đầu ra đưa thẳng vào ao nuôi) và luân chuyển liên tục 24/24 giờ. Nhờ vậy, hệ thống không chỉ luôn cấp đủ nước cho ao nuôi mà đảm bảo nguồn nước luôn an toàn cho con tôm vì khi nước vừa hết clo (dùng để diệt khuẩn trong quá trình xử lý nước) thì đã được cấp ngay vào ao nuôi khiến cho tảo, vi khuẩn không có thời gian để xuất hiện và sinh sôi, nảy nở trở lại.

Tháng 6/2019, Liên Giang Farm thả vụ tôm đầu tiên. Kết quả thành công vượt mong đợi khi mỗi lứa tôm năng suất thu được lên tới gần 70 tấn/ha. Nhờ đó, chỉ sau hai vụ đầu tiên, nhóm của anh đã thu hồi được nguồn vốn đầu tư.

“Từ khi triển khai nuôi tôm đến nay, chúng tôi đã nuôi 15 vụ tôm, trong đó thắng được 14 vụ, chỉ thua có 1 vụ do lúc đó là dịp sau Tết, thiếu nhân lực chăm sóc nên tôm nhiễm bệnh không kịp xử lý”, anh Hà nói.

Hiện nay, bình quân mỗi năm nuôi 4 vụ, với sản lượng thu hoạch tôm đạt 250-280 tấn/năm.  Nhờ quy trình nuôi nghiêm ngặt, được doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu mua hết với giá cao hơn so với những đầm tôm nuôi thông thường, khoảng 180.000 – 220.000 đồng/kg, tôm size 30 con/kg. “Nuôi tôm theo công nghệ cao giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống và bảo vệ được môi trường do kiểm soát được các chỉ tiêu về giống, thức ăn, nguồn nước. Bình quân mỗi năm trang trại của tôi cho lợi nhuận 20 tỷ đồng”, anh Hà thông tin thêm.

 

Tăng sức cạnh tranh cho tôm khi xuất khẩu

Ông Nguyễn Hồng Thuấn, Trưởng phòng kinh doanh khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai, Công ty Cổ phần C.P Việt Nam cho biết, trước những rủi ro về dịch bệnh mà người nuôi tôm phải đối mặt ngày càng nhiều, C.P. Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng quy trình CPF Combine.  CPF Combine là sự kết hợp nhiều giải pháp quan trọng như an toàn sinh học (dùng chế phẩm sinh học ngăn ngừa vật chủ trung gian, dùng vi sinh khống chế dịch bệnh), môi trường nuôi sạch (nguồn nước đầu vào và đáy ao được xử lý sạch), sử dụng con giống sạch bệnh và dùng thức ăn chất lượng tốt.

Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao CPF Combine, trên diện tích mặt bằng của mỗi trang trại được chia làm 3 khu chính, gồm: khu vực xử lý nước đầu vào, khu vực ương nuôi tôm và khu vực xử lý chất thải. Tại khu vực xử lý nước đầu vào, nước từ ao chứa sẽ chạy qua hệ thống xử lý nhanh, sau đó nước được bơm qua các ao sẵn sàng và cấp cho hệ thống ao nuôi. Toàn bộ khu này được lót bạt đáy và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Khu vực ương nuôi tôm, các ao được lót bạt, có hố xi phong, hệ thống cung cấp oxy, mái che,… nhằm đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt nhất, hạn chế tác động của thời tiết, dịch bệnh. Việc quản lý môi trường trong quá trình nuôi được thực hiện theo Chương trình C.P – Probiotic farming, sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh.

Theo ông Thuấn, thông thường nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nuôi tôm mỗi lứa kéo dài từ 4-6 tháng. Nhưng với giải pháp công nghệ mới của C.P đã giúp giảm thời gian mỗi vụ nuôi trong ao xuống chỉ còn 1,5-2 tháng. Với công nghệ này, tôm được nuôi theo 3 giai đoạn. Giai đoạn tôm con nhỏ, sẽ được nuôi trong bể chứa với dung tích nước nhỏ, nhờ vậy không tốn ao nuôi. Khi tôm lớn lên chút nữa, sẽ được đưa sang bể composite dung tích lớn hơn. Đến giai đoạn 3, tôm nuôi sau 3-3,5 tháng mới đưa xuống ao nuôi. Nuôi chia ra nhiều giai đoạn, sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Thời gian nuôi trong ao ngắn, giúp tiết kiệm được diện tích ao nuôi, quay vòng các lứa nhanh, lại đảm bảo phòng dịch bệnh, tỷ lệ chết thấp, tôm lớn nhanh hơn. 

Không chỉ áp dụng với những trang trại nuôi tôm lớn, công nghệ nuôi tôm của C.P Việt Nam còn giúp những hộ nông dân có diện tích mặt nước nhỏ, khoảng 800-1.000m2 vẫn nuôi được tôm. Thậm chí, chỉ với diện tích rất nhỏ khoảng 200m2 người dân có thể nuôi tôm theo mô hình này với sản lượng trên 500kg/vụ. Hiện C.P Việt Nam đang triển khai mô hình CPF Combine House, tức là nuôi tôm tại nhà – là mô hình mới nhất và ít rủi ro nhất. 

Hiện nay 90% diện tích nuôi tôm của nông dân ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai áp dụng mô hình CPF Combine. ” Hiện nay, trước áp lực cạnh tranh từ tôm thẻ cỡ nhỏ và vừa với giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador, các doanh nghiệp tôm Việt Nam đang có xu hướng tìm mua tôm cỡ lớn để chế biến, xuất khẩu. Tôm nuôi theo mô hình này đạt trọng lượng lớn, có thể tới 15-18 con/kg. Từ đó dễ dàng cạnh tranh với các nước xuất khẩu tôm khác và đây cũng là phân khúc mà Việt Nam đang nắm ưu thế tuyệt đối trên thị trường xuất khẩu tôm”, ông Thuấn thông tin. 

Đặc biệt, 100% tôm được thu hoạch từ mô hình CPF-Combine đều có thể chế biến xuất khẩu vì có chất lượng tốt, không có dư lượng kháng sinh, vì quy trình này đã giúp nông dân giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh trên tôm ngay từ khâu xử lý nước, con giống và sự kiểm soát chặt chẽ trong suốt quá trình nuôi. Chính vì vậy, tôm nuôi theo mô hình này thường có giá bán tốt cao hơn so với tôm nuôi ở các đầm thông thường.

Chu Khôi

 

Giải pháp công nghệ hiện đại trong nuôi tôm

Mô hình truyền thống, với diện tích mặt nước nuôi 3.000 – 4.000 m2, năng suất bình quân đạt 5 – 6 tấn tôm/vụ. Đối với CPF-Combine Model, ao nuôi nhỏ từ 1.000 – 1.200 m2 (mặt nước nuôi), năng suất bình quân đạt 6 – 10 tấn/1.000 m2/vụ. So với mật độ nuôi thông thường từ 70 – 100 con/m2 thì nuôi 2 giai đoạn cho phép tăng mật độ nuôi lên từ 200 – 400 con/m2. 

Mô hình nuôi tôm CPF-Combine Model hiện đang được phát triển tại nhiều vùng nuôi tôm như: Quảng Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…  C.P đã hợp tác liên kết với hàng chục nghìn hộ nông dân triển khai mô hình này, theo hình thức Công ty đầu tư con giống, thức ăn và bao tiêu đầu ra sản phẩm tôm. Nông dân đầu tư ao nuôi và thực hiện toàn bộ quá trình nuôi tôm. Hiện nay số lượng ao nuôi theo mô hình CPF-Combine tại Việt Nam do C.P chuyển giao đã tăng trưởng đạt con số trên 21.000 ao nuôi.

Ông Banchong Buahung

Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty C.P. Việt Nam

Tin mới nhất

T7,20/04/2024