Nhiều giải pháp để vụ tôm nuôi nước lợ thắng lợi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, toàn tỉnh thả nuôi hơn 51.000ha, vượt gần 3% kế hoạch. Tỷ lệ tôm thiệt hại được khống chế ở mức dưới 10% so với diện tích thả. Ước sản lượng đạt gần 188.000 tấn, cao hơn 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Sóc Trăng đang tập trung nhiều giải pháp để vụ tôm nuôi nước lợ 2021 tiếp tục thắng lợi.

Người dân ở huyện Mỹ Xuyên thu hoạch tôm.

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 thắng lợi do tỉnh quản lý nuôi trồng thủy sản theo khung lịch thời vụ tốt và khung lịch thời vụ phù hợp với điều kiện môi trường, điều kiện nuôi của người dân. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai, nhân rộng; đặc biệt, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi và có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản. Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu thả nuôi 51.000ha tôm nước lợ (tôm sú 16.000ha, tôm thẻ chân trắng 35.000ha) với sản lượng ước đạt 172.000 tấn.

Ðể đạt mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng đề ra nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, để có được vụ tôm nước lợ thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngành chức năng tỉnh tiếp tục quản lý nuôi tôm nước lợ theo khung mùa vụ, triển khai mạnh các chủ trương, chính sách trong nuôi trồng thủy sản. Nhất là xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm để người nuôi có thể áp dụng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðặc biệt, người nuôi phải từng bước chuyển dần sang nuôi thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng, giảm rủi ro; xây dựng liên kết, tạo chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững, tiến tới không còn hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún.

Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), đánh giá: Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng lượng tôm nguyên liệu còn tồn kho trên thế giới đã giảm, khiến giá tôm tăng rất cao. Ðây là cơ hội để ngành tôm của tỉnh Sóc Trăng có cơ hội để phát triển. Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong nuôi tôm. Thực tế, những người nuôi tôm chưa đạt chính là khó khăn về việc tiếp cận, thiếu vốn và thiếu hiểu biết trong ứng dụng khoa học công nghệ. Cùng với đó, tỉnh cần đầu tư, mở rộng việc cung cấp điện cho các vùng nuôi tôm theo hướng công nghệ. Ông Ðào Ðắc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho rằng: “Năm qua, vùng tôm lúa của huyện Mỹ Xuyên đạt hiệu quả rất cao. Cụ thể, tôm bị thiệt hại chỉ khoảng 8% diện tích thả nuôi. Chủ trương xuyên suốt của địa phương: Sau một vụ tôm sẽ làm một vụ lúa để luân canh sản xuất, đảm bảo cho vụ tôm trúng, vụ lúa cũng được mùa”.

Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, với gần 25.000ha. Bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết: Vĩnh Châu tiếp tục khuyến cáo người dân thả nuôi theo lịch thời vụ để quản lý tốt dịch bệnh, không thả nuôi mật độ cao, thả nuôi tùy theo khả năng đầu tư và trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong nuôi tôm nhất là về quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; lựa chọn con giống, vật tư có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Vĩnh Châu tập trung đầu tư cho công tác thủy lợi, đảm bảo đủ nguồn nước cho các vùng nuôi.

Với những giải pháp thiết thực, phù hợp, gắn với từng vùng nuôi cụ thể và sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc định hướng, đẩy nhanh xây dựng các công trình hỗ trợ, phục vụ vùng nuôi tôm của tỉnh ngày càng hoàn thiện. Tin rằng vụ tôm nước lợ năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra và người nuôi có lợi nhuận cao.

Nguồn tin: Báo Cần Thơ