Nghiên cứu ương ấu trùng tôm càng xanh bằng công nghệ Biofloc với các nguồn cacbon khác nhau

Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của 03 nguồn cacbon (rỉ đường, bột gạo và bột mì) bổ sung ở C:N là 15 lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), so sánh với nghiệm thức không bổ sung cacbon (đối chứng).

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là một trong những đối tượng quan trọng trong nghề nuôi thủy sản trên thế giới. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm càng xanh đang dần trở thành đối tượng nuôi chính tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nghề nuôi tôm càng xanh gặp nhiều khó khăn do chất lượng con giống kém và số lượng con giống thiếu hụt nên gây ảnh hưởng đến nghề nuôi. Vì thế, việc tìm giải pháp cho nghề sản xuất giống tôm càng xanh theo hướng an toàn sinh học thì việc ứng dụng công nghệ biofloc trong ương ấu trùng tôm càng xanh để tạo ra con giống chất lượng cao phục vụ cho nghề nuôi là rất cần thiết.

Công nghệ biofloc là một công nghệ mới đã được phát triển và ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều quốc gia trên thế giới (Avnimelech, 2009). Thành phần chủ yếu của biofloc là protein (25 – 50%), kế đến là chất béo (0,5 – 15%), vitamin và khoáng chất thì rất tốt và biofloc cũng có tác dụng như là chế phẩm sinh học (probiotic) và có nhiều vai trò quan trọng trong việc ổn định môi trường nước, an toàn sinh học, ngăn ngừa mầm bệnh, làm thức ăn trực tiếp cho tôm giống, tăng cường dưỡng chất tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường (McIntosh, 2001). Thêm vào đó, dinh dưỡng của biofloc phụ thuộc khá lớn vào nguồn cacbon sử dụng (Crab, 2010). Chính vì thế nghiên cứu tìm ra nguồn cacbon bổ sung thích hợp cho tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm trong ương ấu trùng tôm càng xanh do nhóm tác giả Trần Ngọc Hải và Châu Tài Tảo (Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ) và Phạm Văn Đầy (Trường Đại học Trà Vinh) thực hiện là rất cần thiết.

Ấu trùng được ương ở mật độ là 60 con/lít trong bể composite có thể tích 500 lít, độ mặn 12‰. Kết quả nghiên cứu sau 35 ngày ương cho thấy chiều dài Postlarvae 15 (chiều dài trung bình là 9,97 ± 0,25 mm), tỷ lệ sống (40,9 ± 1,0%) và năng suất (24.569 ± 618 con/m3) ở nghiệm thức bổ sung bột gạo, hậu ấu trùng lớn hơn, tỷ lệ sống và năng suất cao hơn có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) so với nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức bổ sung bột mì nhưng lớn hơn và cao hơn không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) so với nghiệm thức bổ sung rỉ đường.

Theo Tạp chí KHCN Nông nghiệp Việt Nam