Nghịch lý nuôi tôm mùa dịch: Ế đồng nhưng đắt chợ

[Người Nuôi Tôm] – Gần hai tháng nay, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhất là với các tỉnh ĐBSCL, người nông dân như ngồi trên đống lửa cùng với những ao tôm bị “lãng quên”, trong khi đó tại một số thành phố lớn, mặt hàng tôm lại trở nên đắt đỏ, khan hiếm và khó tiếp cận nguồn…

Trúng mùa nhưng vẫn lỗ nặng vì giá tôm giảm sâu

Từ ngày 19/7, do thực hiện giãn cách xã hội trên các tỉnh khu vực phía Nam để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều tuyến đường đã bị phong tỏa, xe vận chuyển không thể qua được các chốt kiểm dịch. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hàng ngàn hộ dân nuôi tôm khu vực ĐBSCL. Những ao tôm đến ngày xuất bán phải nuôi cầm chừng vì không có người đến mua. Bên cạnh đó, do đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, chợ đầu mối Bình Điền thông báo tạm đóng cửa khiến nhiều lái buôn tạm ngừng hoạt động thu mua. Nguồn cung dồi dào, cộng thêm việc vận chuyển khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đã kéo giá tôm tại khu vực ĐBSCL giảm mạnh. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 250.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg, giảm 15.000 đồng/kg xuống còn 145.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60-70 con/kg giảm 18.000 đồng/kg, xuống còn 98.000 – 105.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giảm 8.000 đồng/kg, xuống còn 85.000 đồng/kg… “Trong suốt thời gian vừa qua, có thể thấy giá tôm nguyên liệu tăng giảm bất thường, nhiều thời điểm giá tôm nguyên liệu giảm sâu. Trong khi giá các yếu tố đầu vào lại tăng mạnh”, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Theo lý giải của một số thương lái, do ảnh hưởng của dịch, nhà hàng, khách sạn ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ngưng hoạt động nên việc tiêu thụ thủy hải sản gặp khó khăn. Khi nhu cầu hạn chế, nguồn cung dồi dào thì giá bán sẽ xuống thấp, đây điều tất yếu của quy luật thị trường. Thêm nữa, hiện tại một số ít vùng do tâm lý hoang mang, lo sợ dịch bệnh bùng phát nên đã thu hoạch tôm ồ ạt, ngay cả với những ao chưa đến ngày xuất bán với mong muốn thu hồi vốn. Điều này đã góp phần dẫn đến việc cung vượt cầu, kéo giá tôm xuống thấp.

Thời điểm hiện tại, các nhà máy cũng hạn chế tiếp nhận nguyên liệu ồ ạt nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số công ty chế biến tôm cũng đang gặp khó khăn trong việc áp dụng “ba tại chỗ” trong công tác thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19. Một trong những trở ngại là do số lượng công nhân lao động tại mỗi doanh nghiệp lại không hề nhỏ, chính vì thế vấn đề chi phí để áp dụng cho việc thực thi biện pháp này là khá lớn. “Khi chi phí tăng không nhỏ, làm sao tổ chức ‘3 tại chỗ’ có lợi nhuận tốt? Chỉ còn cách hạ thấp một chi phí nào đó có thể, nhất là khâu nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm. Ở đây, cụ thể đối với ngành chế biến tôm là hạ thấp giá mua tôm nguyên liệu trong giai đoạn ‘3 tại chỗ’ ”, theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta.

 

“Từ hồi dịch ở TP.HCM bùng phát mạnh, hải sản nhà tôi cũng khốn đốn theo. Nếu nói khách quan thì tôm loại 1 vẫn xuất đi nước ngoài được, các xí nghiệp họ vẫn gom, dù giá thấp hơn. Nhưng hàng loại 2, loại 3 trước hay xuất đi các chợ đầu mối ở TP.HCM, Bình Dương… thì nay bất di bất dịch luôn. Không có ai thu mua vì chợ ngừng hoạt động, lâu lâu có người mua thì họ ép giá thảm với lý do giao thông khó khăn, tốn nhiều chi phí nên phải thu vào giá thấp. Trước tình hình dịch bệnh, các chủ trang trại đều buộc chấp nhận bán lỗ.” – Một chủ vựa hải sản Cà Mau chia sẻ.

 

Ế đồng nhưng đắt chợ

Tuy giá tôm được ghi nhận giảm sâu tại những khu vực nuôi tôm, có những nơi không gọi được lái buôn khiến người dân rơi vào tình trạng tôm giá rẻ nhưng vẫn “ế”. Ngược lại, các khu vực thành phố tôm vẫn là mặt hàng phân khúc giá cao, thậm chí người mua chấp nhận giá cao nhưng cũng không có nguồn để mua. Tại TP.HCM và Bình Dương, nhiều người tiêu dùng cho biết rất khó để mua được hải sản trong thời gian này. Chị Lam, ngụ TP Thuận An (Bình Dương) cho biết, gần 2 tháng nay mâm cơm của gia đình chị thiếu hải sản do không mua được. “Tôi ở chung cư, phía dưới có các siêu thị nhỏ và nhiều cửa hàng của người dân. Trước dịch mặt hàng nào cũng đầy đủ, từ thịt, cá, tôm, cua… không thiếu thứ gì. Tuy nhiên, từ lúc dịch căng thẳng, gần 2 tháng nay nhà tôi chưa được ăn cá, chứ không dám nói đến tôm cua. Các cửa hàng không nhập được hải sản, hầu hết chỉ tập trung bán thịt heo, thịt gà và rau củ”, chị Lam cho hay. Theo ghi nhận tại một số khu chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá tôm thẻ chân trắng loại 60-70 con/kg được bán với giá 220.000 – 230.000 đồng/kg.

Vẫn “tắc” trong khâu vận chuyển

Có thể thấy, sản lượng sản phẩm thủy sản được sản xuất và cung ứng cho thị trường cả nước và 19 tỉnh, thành phía Nam đang vẫn ổn định, dồi dào, nhưng do công tác lưu thông, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ gián đoạn nên dư thừa. Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, giá các sản phẩm tôm đầu ra trên địa bàn đang giảm, tồn đọng khối lượng lớn, mỗi tuần có 500 tấn tôm đến kỳ thu hoạch ở Long An, nhưng các huyện trọng điểm nuôi tôm lại đều đang là vùng dịch, do đó gần như không có thương lái đến thu mua. Trong thời điểm hiện tại, các cấp, các ngành cần quan tâm, hỗ trợ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhanh chóng giải quyết tình trạng “ế đồng, đắt chợ”. Khâu vận tải, lưu thông cần được ưu tiên và quan tâm hàng đầu.

 

“Việc cấp thẻ ‘luồng xanh’ mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để phương tiện lưu thông. Người ở trên xe được cấp thẻ phải có thêm giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được qua các chốt”. – Đại diện Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa.

 

Để giải quyết vấn đề ách tắc trong khâu vận chuyển tôm từ các vùng dịch, Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Tổ công tác 970) để ứng phó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, trong đó có tôm, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch Covid-19. Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, trong ngày 1/8, tổ công tác đã kết hợp với 7 tỉnh để kết nối và lên kế hoạch cùng doanh nghiệp thu mua 1.000 tấn thủy hải sản. Nguồn cung thuận lợi dẫn đến hàng tồn kho của một số doanh nghiệp lớn thủy sản còn nhiều. Nhiều sở NN&PTNT đã thành lập đường dây nóng phối hợp với các sở giao thông vận tải, sở y tế để tháo gỡ khó khăn khi có yêu cầu của doanh nghiệp, theo tinh thần vướng chỗ nào, gỡ chỗ đó, kể cả 12 giờ đêm.

Phạm Huệ

Đề xuất cho công nhân trong các nhà máy chế biến thủy sản được tiêm vaccine kịp thời

Trong bối cảnh hiện nay, dù kịch bản lạc quan hay kịch bản kém lạc quan hơn xảy ra, ngành chế biến thủy sản và các ngành đang sử dụng tôm nguyên liệu, sử dụng nhiều lao động ở trong một không gian hẹp đang phải chung tay kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo phương pháp áp dụng “3 tại chỗ” chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ làm tại công ty, không di chuyển ra bên ngoài. Tuy nhiên, không phải nhà máy nào cũng áp dụng được biện pháp này. VASEP đã đề nghị lãnh đạo Bộ NN&PTNT quan tâm, có ý kiến báo cáo lên Chính phủ và Bộ Y tế, hỗ trợ những công nhân trong các nhà máy chế biển thủy sản, những đối tượng gắn liền với nông dân và ngư dân sẽ được tiêm vaccine kịp thời.

Ông Nguyễn Hoài Nam (Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam VASEP)

Tin mới nhất

T4,17/04/2024