Ngành tôm Việt Nam: Sẵn sàng hai kịch bản ứng phó

[Người Nuôi Tôm] –Với kịch bản lạc quan, chúng ta sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 tại những vùng sản xuất tôm tập trung trong 2 tháng tới thì mặt hàng tôm sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng 12% so với năm 2020. Nếu dịch còn kéo dài hơn thì mức tăng trưởng dự kiến sẽ tăng dưới 9%, tức là dưới 4,1 tỷ USD mục tiêu đề ra”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP nhận định.

 

“Cán đích” 4,1 tỷ USD là điều có thể

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, các tháng đầu năm 2021, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất tiếp tục được duy trì ổn định, giá tôm nguyên liệu tăng cao, kéo dài từ cuối năm 2020 đã kích thích các doanh nghiệp, người nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất. Xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu tôm cả năm 2021 đạt từ 3,8 – 4 tỷ USD. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.

Theo đại diện VASEP, nếu trong vòng từ 2-3 tháng tới các tỉnh ĐBCSL kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin xuất khẩu tôm “cán đích” mục tiêu 4,1 tỷ USD trong năm nay, tăng 12% so với năm 2020.

Bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, cần tận dụng tốt cơ hội thị trường, nhất là một số thị trường đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, cụ thể như Mỹ nơi được coi là đang dần phục hồi lại nhu cầu tiêu dùng sau khi đã chủ động tiêm vaccine, dần lới lỏng các hoạt động xã hội. Dự báo những tháng cuối năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Thế giới sẽ tăng trở lại, đặc biệt là ở những thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19. Đồng thời hiện nay, tôm Việt Nam đang tiếp tục có nhiều lợi thế do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, trong khi đó, tôm Ấn Độ đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao. “Khi các thị trường lớn phục hồi, họ sẽ quan tâm đến việc siết chặt kiểm soát chất lượng và quan tâm đến các tiêu chuẩn bền vững và các vấn đề liên quan” ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện VASEP nhận định.

Do vậy, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nếu chúng ta đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát nhanh và tốt dịch bệnh Covid-19.

Nông dân huyện Duyên Hải (Trà Vinh) thu hoạch tôm – Ảnh: Công Hân

 

Sẵn sàng kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh

Bên cạnh việc hy vọng kết quả lạc quan vào nửa cuối năm 2021, ngành tôm cũng cần sẵn sàng cho mình một kịch bản ứng phó trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trước tháng 6, các doanh nghiệp tại các vùng sản xuất, chế biến tôm chính của Việt Nam gần như chưa bị tác động nhiều dịch Covid-19. Tuy nhiên, biến thể mới của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ĐBSCL chững lại. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, ngành tôm sẽ chủ động sẵn kịch bản, từng bước giải quyết tháo gỡ những khó khăn, thách thức về đảm bảo duy trì thị trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… phấn đấu xuất khẩu tôm đạt trên 4 tỷ USD.

Cùng với đó, Trung Quốc và một số thị trường tiêu thụ tôm trên thế giới đang siết chặt các công tác kiểm tra sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác, điều này cũng sẽ là một trở ngại lớn đối với chúng ta. Theo báo cáo Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 15 lô hàng tôm bị cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo (giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó đáng chú ý là cảnh báo về các chỉ tiêu dịch bệnh (5 lô), tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm 4 lô; vi sinh 5 lô..

Ngành tôm Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận một kịch bản xấu hơn, cụ thể tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sẽ chững lại ở mức 6 – 10% trong những tháng tới. Dự báo xuất khẩu tôm sẽ đạt dưới 4,1 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020.

 

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng, Tổng Cục Thủy sản cho rằng, ngành tôm hiện vẫn đang gặp một số khó khăn như: Việc cấp mã xác nhận đăng ký cơ sở nuôi đạt kết quả chưa cao; giá thành sản xuất tôm vẫn nhỉnh hơn so với các nước trong khu vực; tôm giống, tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; hạ tầng nuôi tôm chưa bảo đảm… Cảnh báo an toàn thực phẩm, sự thay đổi quy định kiểm dịch của các nước nhập khẩu cũng là thách thức lớn. Trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao… và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả để giúp doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất.

Cùng với đó, theo TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi và áp dụng “3 tại chỗ”. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, để tự mình vượt qua khó khăn thì việc doanh nghiệp nuôi tôm đáp ứng tốt phương châm “3 tại chỗ” hiện nay là bài toán trọng yếu giúp sản xuất được liền mạch và chủ động nguồn cung ứng. “Việc tổ chức “3 tại chỗ” sẽ đảm bảo cung ứng một phần nào đó sản phẩm theo các hợp đồng, giảm thiểu khó khăn cho các đối tác, không chỉ đảm bảo sự tồn tại, bền vững của doanh nghiệp trong nghịch cảnh này mà còn nhằm duy trì và tương hỗ các mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị con tôm là: người nuôi – người lao động trong doanh nghiệp chế biến – nhà tiêu thụ. Phòng chống dịch hiện cần được coi trọng hơn tổ chức sản xuất. Tổ chức sản xuất tốt mà phòng chống dịch yếu thì sản xuất sẽ phải đóng cửa. Giờ không phải nhiệm vụ kép nữa mà phòng chống dịch là số 1, sản xuất là số 2″, TS. Hồ Quốc Lực nhận định.

Phạm Huệ

Tập trung vào chất lượng nuôi để tăng sản lượng:

Trong năm 2021, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Để đạt được, cần giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới. Diện tích nuôi tôm hiện khoảng 740.000 ha và rất khó tăng diện tích nuôi trồng để tăng sản lượng. Thậm chí diện tích nuôi tôm năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh này, để tăng năng suất phải dựa vào nâng cao chất lượng nuôi; hạ giá thành con giống, thức ăn; kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh; đẩy mạnh chế biến với công nghệ cao và mở rộng thị trường.

Ông Phùng Đức Tiến (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT)

Tin mới nhất

T4,24/04/2024