Một số thiết bị nuôi tôm nên có trong ao nuôi

Để đảm bảo lượng thu hoạch cho một vụ nuôi, ngoài việc phòng ngừa dịch bệnh việc sở hữu các thiết bị nuôi tôm là một yếu tố rất quan trọng, không những tạo điều kiện môi trường sống tốt nhất cho tôm sinh trưởng, phát triển mà còn hạn chế rủi ro, thiệt hại giúp bà con nâng cao hiệu suất cho ao nuôi.

Dưới đây là một số thiết bị cần cho ao nuôi tôm bà con có thể tham khảo.

Thiết bị sục khí

Vấn đề thiếu oxy hòa tan trong nước là một trong những rủi do lớn trong quá trình phát triển của các sinh vật nuôi. Việc sử dụng thiết bị sục khí để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao là việc làm cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trong ao nuôi tôm, nhất là với các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh với mật độ tôm nuôi rất cao. Thiết bị sục khí giúp tạo các bọt khí trong ao nuôi tôm, tạo ra oxy liên tục để duy trì sự sống cho tôm nuôi, ngoài ra còn giúp giảm độ bẩn, hạn chế lắng động bùn và chất thải dưới đáy ao lâu ngày tìm ẩn phát sinh khí độc và vi khuẩn tích tụ.


Thiết bị sục khí giúp tạo các bọt khí trong ao nuôi tôm, tạo ra oxy liên tục để duy trì sự sống cho tôm nuôi. Ảnh: Tép Bạc

Khi môi trường ao nuôi bị ô nhiễm bởi chất thải, khí độc trong ao tăng cao hoặc thiết bị sục khí gặp sự cố hư hỏng,…làm lượng oxy trong ao thấp sẽ dẫn đến vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm như bỏ ăn, bơi dạt vào bờ, nổi đầu vào lúc sáng sớm, đục cơ, tôm chết từ từ sau đó đến hàng loạt,….Việc trữ cho ao nuôi của mình thiết bị sục khí là điều rất cần thiết, phòng ngừa khi có sự cố xảy ra giúp bà con kịp thời xử lí và tránh những thiệt hại cho ao nuôi.

Máy phát điện dự phòng

Để chắc rằng các thiết bị trong ao hoạt động ổn định, phòng khi có sự cố mất điện xảy ra, nhất là vào ban đêm. Bà con nên chuẩn bị cho ao nuôi của mình máy phát điện dự phòng nhằm đảm bảo thiết bị sục khí, quạt nước vẫn hoạt động ổn định, cung cấp đủ lượng oxy hòa tan trong ao nuôi tôm, đảm bảo ao luôn trong điều kiện tốt cho vật nuôi. Tránh tình trạng mất điện trong thời gian dài làm ao nuôi tôm không đủ ôxy, hạn chế tổn thất kinh tế cho bà con.

Thiết bị kiểm tra chất lượng nước

Chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong ao nuôi tôm, nhưng khó dự đoán và khó kiểm soát. Chất lượng nước quyết định đến tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm. Các chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi tôm như pH, KH, NH3/NH4, NO2, NO3, Clo,..đóng vai trò quan trọng trong khâu quản lí môi trường ao nuôi. Việc này sẽ giúp người nuôi nắm bắt, dễ dàng kiểm soát tình trạng nước ao để có thể xử lí kịp thời, bảo vệ đàn tôm của mình và nâng cao năng suất vụ nuôi.


Đo lường thường xuyên để duy trì các thông số chất lượng nước đạt tiêu chuẩn. Ảnh: Tép Bạc

Thiết bị đo pH

Trong nuôi tôm thẻ, tôm sú, pH đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, tỉ lệ sống, dinh dưỡng trong ao nuôi. Độ pH thích hợp cho ao nuôi trồng thủy sản dao động từ khoảng 7.5 – 8.5. Nếu pH trong ao tăng cao sẽ khiến tôm bị ngộ độc NH3, ngược lại nếu pH trong ao quá thấp thì tôm sẽ bị mềm bỏ hoặc lột xác không hoàn toàn, khí độc H2S gia tăng khiến tôm suy yếu, hoạt động chậm chạp và dễ nhiễm bệnh. Thiết bị đo pH sẽ giúp bà con kiểm soát chất lượng nước ở mức tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Quạt nước

Quạt nước có tác dụng xáo trộn, luân chuyển dòng nước hạn chế sự phần tầng nhiệt độ trong ao, cung cấp nguồn oxy, giải phóng khí độc. Việc lắp đặt quạt nước giúp thu gom chất thải, xác tôm vào giữa ao thuận tiện cho việc xi-phông đáy, hơn thế quạt còn giúp khuếch tán vi sinh, thuốc, hóa chất,…phân bố đều khắp ao. Ngoài ra, có thể thay thế quạt nước bằng hệ thống venturi, hệ thống nhỏ gọn, đơn giãn thụ điện năng thấp, cung cấp oxy hòa tan nhanh tận đáy ao, tạo dòng chảy, giải phóng khí độc,…


Quạt nước giúp thu gom chất thải, xác tôm vào giữa ao thuận tiện cho việc xi-phông đáy,… Ảnh: Tép Bạc

Chế phẩm vi sinh

Hiện nay, việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm đóng vai trò quan trọng, giúp phân hủy các chất hữu cơ, thức ăn thừa trong ao, làm giảm mùi hôi, xử lý nền đáy ao nuôi và kiểm soát các khí độc (NH3, NO2, H2S,…) trong nước. Ngoài ra, còn giúp bổ sung các dòng vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp tôm tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt hơn, đồng thời giúp tôm phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng.

Chưa kể, Chế phẩm vi sinh còn giúp kiểm soát tảo, ổn định màu nước trong suốt quá trình nuôi. Bổ sung các vi sinh có lợi vào trong nước giúp cạnh tranh mẽ chất dinh dưỡng và môi trường sống với các loài tảo độc và vi khuẩn có hại trong nước, tạo nên một môi trường sống lí tưởng cho tôm, hỗ trợ tôm sinh trưởng và phát triển nhanh, cho kích cỡ lớn.

Nhất Linh

Tepbac.com

Tin mới nhất

T3,23/04/2024