Giá tôm nguyên liệu tăng dần trở lại

[Người Nuôi Tôm] – Sau một thời gian sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, giá tôm nguyên liệu tại các vùng nuôi trên cả nước đang tăng dần trở lại, mở ra kỳ vọng cho sản xuất vụ tôm mới.

 

Theo ghi nhận, tại “thủ phủ” tôm Bạc Liêu, Sóc Trăng, thời điểm giữa tháng 6.2021, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 118.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 125.000 đồng/kg. Tăng từ 9.000 – 12.000 đồng/kg. Trước đó, vào cuối tháng 5.2021, giá tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg là 106.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 116.000 đồng/kg.

Hiện tại đang là thời điểm thu hoạch vụ tôm xuân hè năm 2021, bất chấp khó khăn về dịch bệnh, giá tôm đã có phần khởi sắc.  (Ảnh minh họa)

Khu vực Bến Tre và Tiển Giang, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg được thu mua với giá 122.000 đồng/kg, loại 60 con/kg có giá 120.000 đồng/kg khiến bà con phấn khởi.

Miền Bắc thời gian này giá tôm không có sự biến động nhiều, nhiều khu vực vẫn giữ nguyên mức giá cũ, tuy nhiên một số khu vực nuôi đã có sự thay đổi nhẹ về giá, tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tôm thẻ loại 45 con/kg đang được thu mua với giá 150.000 đồng/kg. Đây được cho là tín hiệu tích cực cho bà con nuôi tôm khi mà giá nguyên liệu, vật tư và thức ăn thủy sản liên tục tăng trong suốt thời gian vừa qua.

Chúng ta đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lớn nhất từ trước tới giờ, hoạt động kinh doanh hàng quán đình trệ, nhà hàng đóng cửa chỉ phục vụ bán mang về. Chính vì vậy, thị trường tôm trong nước cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Do vậy, dù giá tôm nguyên liệu đã tăng tích cực hơn, nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên tôm, dịch Covid- 19 phức tạp tại các thị trường tiêu thụ chính khiến người dân vẫn e dè trong việc thả nuôi.

Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính là giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, và tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.

Cũng theo phân tích của các chuyên gia, làn sóng Covid-19 gần đây ở Ấn Độ đã khiến tình hình sản xuất tôm của nước này trở nên tồi tệ hơn, trái ngược với nhiều dự báo về việc sản lượng sản xuất tôm ở Ấn Độ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021. Do đó, điều này tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh (cụ thể là Ecuador, Indonesia, và Việt Nam) cải thiện thị phần trong các nước nhập khẩu – đặc biệt là ở Mỹ. Đây là cơ sở để VASEP dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu toàn cầu tăng nhẹ trong khi nguồn cung từ nhiều nước sản xuất sẽ giảm do Covid.

Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn vẫn còn, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm vẫn cần liên kết chặt chẽ để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ khi thị trường hồi phục.

  Phạm Huệ

Tin mới nhất

T6,19/04/2024