EVFTA tạo hướng mở cho con tôm Cà Mau

Trong khi kim gạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau tại các thị trường khác giảm thì thị trường EU vẫn tăng trưởng. Tín hiệu khả quan này đến từ Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Việc hiệp định này có hiệu lực, EU được xem là thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng còn nhiều thách thức.

Theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, kim gạch xuất khẩu tôm 9 tháng năm 2020 của tỉnh ước đạt hơn 600 triệu USD. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, xuất khẩu tôm qua các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc gặp khó khăn, kim ngạch giảm mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường EU có bước tăng trưởng đáng kể, hiện đạt hơn 70 triệu USD. Trước đây, hàng năm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chỉ đạt khoảng 5% thì nay đang chiếm hơn 10% trong cơ cấu các thị trường. Nguyên nhân xuất khẩu tôm vào thị trường EU tăng mạnh được nhận định do EVFTA đã có hiệu lực.

Xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vào thị trường EU tăng mạnh.

Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, cho biết EVFTA đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nước ta nói chung và Cà Mau nói riêng tiếp cận thị trường tiêu thụ khổng lồ, với 27 nước thành viên và dân số khoảng 500 triệu người. Trong lĩnh vực thủy sản, mức ưu đãi xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm tới, tạo ra ưu thế rất lớn.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh thuận lợi thì những thách thức đặt ra từ thị trường này cũng không hề nhỏ. Bởi EU được biết đến là thị trường “khó tính”, đòi hỏi chất lượng, xuất xứ hàng hóa với những tiêu chuẩn rất cao. Cũng chính vì vậy mà chỉ có 10/29 doanh nghiệp của Cà Mau đang xuất khẩu vào thị trường này. Một khó khăn khác là hải sản khai thác của nước ta đang bị áp dụng “thẻ vàng” tại EU. Nếu không kịp thời tháo gỡ, hoạt động xuất khẩu hải sản nói riêng và thủy sản nói chung xuất sang thị trường này sẽ còn gặp bất lợi, lợi thế của EVFTA không được phát huy. “Muốn gia nhập “sân chơi EU”, các doanh nghiệp trước tiên cần đáp ứng bài toán chất lượng để đảm bảo cạnh tranh. Muốn vậy, người dân và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ hơn. Sau đó, mới tính đến việc tìm được chỗ đứng và duy trì được thị phần tại đây”- ông Nam nói.

Ðể kịp thời triển khai thực thi hiệu quả EVFTA trên địa bàn, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch và đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu để các sở ban, ngành, địa phương thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường các nước EU đến doanh nghiệp, người dân.

Nguồn tin: Báo Cần Thơ